Thứ Sáu, 30/03/2018, 21:03 (GMT+7)
.

Khát vọng cho giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030

Mục tiêu đến năm 2030 của giáo dục đại học Việt Nam là sẽ có 40-50% học sinh học đại học, có từ hai đến ba trường đại học đi đầu khu vực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp…

Việt Nam sẽ có đại học đi đầu khu vực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo? Ảnh minh họa: TTXVN
Việt Nam sẽ có đại học đi đầu khu vực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo? Ảnh minh họa: TTXVN

Đó là những tham vọng đang được nghiên cứu đặt ra cho Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

Để có thêm nhiều cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chiến lược, ngày 29-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo Tham vấn về chiến lược giáo dục đại học.

Bốn mục tiêu khát vọng cho giáo dục đại học

Tại hội thảo, báo cáo đề dẫn về Chương trình nghiên cứu và phân tích hỗ trợ xây dựng Chiến lược và Lộ trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam, bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, có 4 mục tiêu "khát vọng" được đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam trong chiến lược này.

Thứ nhất là tăng tỷ lệ sinh viên. Cụ thể, tỷ lệ nhập học đại học hiện nay của học sinh Việt Nam là 30%, thấp hơn nhiều so với các nước thuộc nhóm so sánh như Malaysia (50%), Thái Lan (50%), Trung Quốc (40%). Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 40 đến 50%.

Thứ hai là tăng sự phù hợp của nguồn nhân lực đào tạo. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới với 325 doanh nghiệp cho thấy có sự thiếu hụt lao động, thiếu người lao động có tay nghề, bất cập về kỹ năng ở lao động có tay nghề.

Mục tiêu của chiến lược đặt ra là tăng tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, tăng mức độ hài lòng trong khảo sát người sử dụng lao động, cải thiện về đáp ứng cung-cầu.

Thứ ba là tăng chất lượng đào tạo. Hiện kết quả nghiên cứu và xếp hạng của các trường đại học Việt Nam đang thấp hơn các nước xung quanh như Malaysia, Philippin, Thái Lan, Indonesia.

Mục tiêu Chiến lược đặt ra là có hai, ba cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trở thành đơn vị đi đầu khu vực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư là về bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Hiện đang có sự chênh lệch lớn về cơ hội giáo dục đại học do vị trí địa lý và thu nhập. Khảo sát hộ gia đình cho thấy tỷ lệ nhập học đại học là dưới 5% ở nhóm 20% dân số nghèo nhất trong khi ở nhóm 20% dân số giàu nhất, tỷ lệ này là trên 50%.

Mục tiêu của Chiến lược đặt ra là giảm mức chênh lệch này xuống một nửa.

Thực hiện có lộ trình

Theo bà Dung, những khát vọng này sẽ được vạch lộ trình thực hiện, căn cứ trên thực tiễn triển khai trong thời gian vừa qua và các chỉ số về dân số, chỉ số phát triển các ngành, kinh nghiệm các nước...

Cũng theo bà Dung, để đạt được các mục tiêu này là một câu chuyện rất dài. Ví dụ từ năm 2021 đến 2023 thì không thể tăng số người đi học đại học mà phải chấn chỉnh lại chất lượng. Chấn chỉnh không chỉ bằng kiểm định mà phải xem đầu ra đã thực chất là năng lực sản xuất, năng lực sáng tạo, đã phù hợp với nhịp độ và với đòi hỏi của sự phát triển chưa.

Từ 2023 đến 2030, phải vừa tăng số lượng vừa tăng chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế.

"Nếu cứ nói sinh viên ra trường thất nghiệp và nên giảm số lượng sinh viên là không đúng vì đó không phải là chất lượng đòi hỏi của xã hội," bà Dung chia sẻ.

Vị chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong bốn khát vọng trên thì mục tiêu khó khăn nhất là về vấn đề bình đẳng vì để thực hiệ được đòi hỏi mục tiêu chính trị rất lớn.

“Mục tiêu khả thi nhất chính là vấn đề chất lượng vì điều này nằm trong tay các nhà quản lý,” bà Dung nhận định.

Hy vọng một chiến lược bài bản

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới đang tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn để có thể hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đại học.

Tại Hội thảo ngày 29-3, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận về cải cách giáo dục đại học của các nước Malaysia, Anh, Hàn Quốc, Colombia…

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Bộ mong muốn có cái nhìn dài hạn để nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.

Ông Phúc cho biết hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang trong quá trình đổ mới và cần tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế nhưng mỗi nước có hệ thống giáo đục đại học khác nhau nên kinh nghiệm quốc tế cũng không giống nhau và rất đa dạng.

Với Hàn Quốc là bài học ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Colombia có kinh nghiệm về vai trò quản lý của nhà nước khi số lượng đại học tăng lên dẫn đến khó khăn trong quản lý chất lượng và vấn đề đảm bảo tài chính. Các trường đại học xứ Wales là bài học về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình. Trong khi đó, Malaysia lại rất đáng để Việt Nam học hỏi về xây dựng chiến lược phát triển đại học với các bước rõ ràng.

"Việt Nam sẽ học hỏi tiếp thu những điểm phù hợp với bối cảnh của mình. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu sâu sắc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam để tìm con đường phù hợp nhằm phát triển đất nước,” ông Phúc nói.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/khat-vong-cho-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-den-nam-2030/494705.vnp)

.
.
.