Thứ Sáu, 27/04/2018, 21:10 (GMT+7)
.

Đề thi THPT quốc gia 2018 có gì mới?

Học sinh cứ học chắc kiến thức, bám sát chương trình thì điểm sẽ cao, còn nếu muốn đạt điểm tuyệt đối thì phải đào sâu thêm một số bài khó, nhưng dù khó thì vẫn chỉ bám sát chương trình.

a
Ông Sái Công Hồng

Ngày 27-4, tại cuộc họp báo về kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, thời điểm này đang là thời điểm quan trọng để học sinh chuẩn bị thi, ôn thi.
Đề thi năm 2018 tiếp tục phục vụ 2 mục đích: xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ.

Đề thi phải bám vào 2 mục đích này. Cấu trúc đề thi, tỷ lệ không thay đổi so với các năm: 50-60% là kiến thức cơ bản; 40% là kiến thức nâng cao.  Khác là có thêm 1/5 nội dung ở lớp 11.
“Cục đã có hướng dẫn, ôn thi nội dung nằm trong chương trình lớp 11, 12, nhưng chủ yếu là lớp 12. Khoảng 20% ở lớp 11, 80% là nằm ở lớp 12”, ông Sái Công Hồng nói.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi tham khảo đã được tham khảo ý kiến giáo viên. Đề thi chính thức sẽ được tính toán để bảo đảm cả 2 mục đích  của kỳ thi và quan trọng là phải sát với năng lực học sinh.
Vừa qua, có nhiều ý kiến kêu đề thi tham khảo khó, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng lắng nghe để tính toán làm sao để đề thi phải sát thực với năng lực học sinh.
Đề thi bảo đảm 4 cấp độ, từ dễ đến khó, vì thế học sinh nên tuần tự làm từ dễ đến khó.
Cũng theo ông Hồng, đề thi tham khảo mà vừa qua Bộ GD-ĐT công bố là định hướng nội dung ôn tập cho các thí sinh. 

“Vừa qua một số ý kiến nói đề thi tham khảo khó. Nếu có khó khăn thì là khó khăn chung, không ưu ái cho nhóm thí sinh nào”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lý giải.
Nói rõ thêm, ông Sái Công Hồng cho biết, với đề khi khoa học tự nhiên, nhất là môn hóa học, vật lý thì những câu hỏi khó là khó về bản chất, hiện tượng, chứ không phải khó về tính toán. Tuy nhiên, điều này sẽ được Ban ra đề rút kinh nghiệm khi ra đề thi chính thức. 

Nét mới của đề thi năm nay trong bài tổ hợp khoa học tự nhiên, theo ông Hồng là sẽ có những câu hỏi về thí nghiệm thực hành, mục đích là để tác động lại quá trình dạy học ở nhà trường. Nếu nhà trường bỏ qua hoạt động thí nghiệm ở trường thì học sinh đi thi sẽ khó khăn.

“Tất nhiên sẽ làm dần dần, có lộ trình, vì thế bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi về thí nghiệm thực hành. Tương tự, trong môn Toán, sẽ dần dần có những câu hỏi về bản chất lý thuyết toán, nhằm đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh, chứ không chỉ dừng ở việc tính toán”, ông Hồng cho hay.

Trả lời về các trung tâm luyện thi hiện nay, thi thử rất khó, ông Sái Công Hồng cho biết, ông không bình luận về các trung tâm luyện thi. Nhưng ông khuyến cáo học sinh không nên quá hoang mang, các trung tâm luyện thi không thể có đề thi của Bộ GD-ĐT để luyện.
“Học sinh cứ học chắc kiến thức, bám sát chương trình thì điểm sẽ cao,  còn nếu muốn đạt điểm tuyệt đối thì  phải đào sâu thêm một số bài khó, nhưng dù khó thì vẫn chỉ bám sát chương trình”, ông Hồng khuyên.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.