Thứ Hai, 02/04/2018, 22:32 (GMT+7)
.

Lòng yêu nghề của cô giáo vùng sâu

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết với nghề, cô Nguyễn Thị Kim Thơm, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) luôn có nhiều sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Những nỗ lực, phấn đấu của cô Thơm đã mang lại nhiều thành tích cho bản thân cũng như ngành Giáo dục của vùng “đất khó” Tân Phước.

Cô giáo Thơm luôn nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh học từ những sáng tạo, phương pháp giáo dục mới.
Cô giáo Thơm luôn nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh học từ những sáng tạo, phương pháp giáo dục mới.

Hơn 15 năm bước chân vào nghề giáo cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Kim Thơm gắn bó với mái trường THCS thị trấn Mỹ Phước. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi về trường công tác, cô Thơm cho biết, vào thời điểm khoảng năm 2001, có rất ít giáo viên sau khi ra trường chọn về Tân Phước công tác.

Bởi đây là vùng đất mới còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện sinh hoạt, đi lại. Mùa mưa thì lầy lội, còn mùa nắng thì khô nóng. Khi đó, học sinh cấp 2 và cấp 3 học chung nhau dưới một mái trường. Đến năm học 2008 - 2009, Trường THCS thị trấn Mỹ Phước mới được tách ra.

“Mặc dù khó khăn nhưng với sự kỳ vọng của lãnh đạo, đồng nghiệp và nhất là các học sinh đã trở thành động lực giúp một giáo viên trẻ mới ra trường khi đó như tôi gắn bó, có trách nhiệm hơn trong công tác giảng dạy của trường” - cô Thơm chia sẻ.  

Trải qua giai đoạn đầu khó khăn nhưng bằng nghị lực bản thân và nhất là niềm tin yêu với nghề, cô Thơm luôn phấn đấu học hỏi, trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm, để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho các học sinh.

Là giáo viên giảng dạy môn Sinh học, cô Thơm đã có nhiều sáng tạo, phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Mỗi giờ lên lớp, cô Thơm đều đầu tư công sức, nghiên cứu soạn giáo án sao cho học sinh dễ hiểu, tiếp thu bài ngay tại lớp bằng những tiết học sinh động, có liên hệ thực tế.

Không dừng lại ở đó, cô Thơm luôn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mô hình, sáng kiến để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh học.

Nổi bật có bộ đồ dùng dạy học “Mô hình nhà ở”; các đề tài “Tích hợp kiến thức liên môn giáo dục bảo vệ môi trường trong giảng dạy Sinh học lớp 9”, “Kích thích sự hứng thú học tập của học sinh trong việc ứng dụng các phần mềm tin học vào các bài giảng về cấu tạo trong của động vật có xương sống”, “Sử dụng phương pháp đặt và giải quyết vấn đề nhằm kích thích sự hứng thú của học sinh ở môn Sinh học”…

Hầu hết các mô hình, đề tài sáng kiến của cô Thơm đều được ứng dụng vào công tác giảng dạy của nhà trường và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, số lượng học sinh khá, giỏi bộ môn Sinh học của trường ngày càng tăng lên. Ý thức bảo vệ môi trường của học sinh nhà trường cũng được nâng cao từ 21,3% tăng lên 52%... 

Để tạo sự hứng thú cho học sinh trong những giờ học, cô Thơm chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đồng thời, sử dụng bản đồ tư duy, tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, theo hướng phát huy tính sáng tạo của học sinh.

“Với tôi, công việc trọng tâm của người giáo viên là những giờ lên lớp. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được sự hứng thú, say mê học tập của học sinh. Tùy theo trình độ của học sinh mà mình nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn, giàu tính sáng tạo, giúp học sinh không chỉ tiếp thu mà còn nhớ nội dung bài học tốt và lâu hơn” - cô Thơm cho biết.

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân đã giúp cô giáo Nguyễn Thị Kim Thơm vượt qua nhiều khó khăn cùng với tập thể nhà trường hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhiều năm liền, cô Thơm vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen, với thành tích giáo viên dạy giỏi.

Đặc biệt năm học 2016 - 2017, cô Thơm đạt giải Nhất quốc gia với đề tài dạy học theo chủ đề  tích hợp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng Khen, vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học”.

Đ. PHI

.
.
.