Thứ Tư, 09/05/2018, 10:30 (GMT+7)
.

5.000 học sinh THCS không học tiếp sẽ làm gì?

Dù tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phân luồng học sinh (HS), đặc biệt là phân luồng HS sau THCS nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Theo đó, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tham gia vào trung cấp chuyên nghiệp và học nghề còn rất thấp. Chủ yếu HS chọn học tiếp lên bậc THPT hoặc bỏ học đi lao động sớm mà chưa qua đào tạo nghề…

Công tác phân luồng HS sau THCS cần định hướng vào các trường nghề.
Công tác phân luồng HS sau THCS cần định hướng vào các trường nghề.

BÁO ĐỘNG TỪ NHỮNG CON SỐ

Gò Công Đông là một trong những huyện của tỉnh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phân luồng HS sau THCS. Theo Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện, năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 10 trường THCS, với 1.858 HS tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, chỉ có 1.378 HS đăng ký dự thi tuyển sinh THPT. Như vậy, toàn huyện có 480 HS không tham gia dự tuyển vào lớp 10, trong đó, có 318 trường hợp hoàn toàn không nộp đơn thi tuyển. Con số HS không tham gia dự tuyển vào lớp 10 tăng 45 HS so với mùa tuyển sinh năm học 2015 - 2016.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ HS bị “hỏng” sau khi tham gia dự tuyển vào lớp 10, nộp đơn vào các trường nghề trong 3 mùa tuyển sinh gần đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Còn theo thống kê của UBND huyện Tân Phú Đông, năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 519 HS được xét tốt nghiệp THCS. Qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10, toàn huyện có 430 học sinh vào học ở các trường THPT. Số HS vào học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), trung cấp nghề hầu như là không có. Toàn huyện cũng đã ghi nhận 85 trường hợp HS bỏ học sau khi tốt nghiệp THCS.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, trong thời gian qua, vấn đề phân luồng HS sau THCS vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Chẳng hạn trong năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 21.205 HS tốt nghiệp THCS. Sau kỳ tuyển sinh vào lớp 10, có 15.614 HS tiếp tục được vào học THPT và còn đến 5.591 HS nằm vào diện phân luồng.

Tuy nhiên, trong số 5.591 HS này thì chỉ có 648 HS vào học tại các Trung tâm GDTX, 1.365 HS vào học trung cấp nghề và còn lại trên 3.500 HS không đi học. Đó là chưa tính đến số HS do sức học kém nên khi vào các trường THPT, Trung tâm GDTX, các trường nghề lại bỏ học giữa chừng, vì không theo kịp chương trình. Như vậy, hằng năm có khoảng 5.000 HS THCS sau khi tốt nghiệp không đi học, hoặc bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình.

Cần thực hiện tốt công tác phân luồng HS sau THCS để hạn chế tình trạng HS  bỏ học sớm vào đời kiếm sống. 	                                                             Ảnh: QUẾ NGÂN
Cần thực hiện tốt công tác phân luồng HS sau THCS để hạn chế tình trạng HS bỏ học sớm vào đời kiếm sống. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo Sở GD-ĐT, nguyên nhân khiến việc phân luồng cho HS sau THCS hạn chế là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự đúng đắn. Nhiều HS và gia đình không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm.

Quan trọng hơn là việc phân luồng HS mới chỉ dừng lại ở chủ trương mà chưa cụ thể hóa thành chính sách và cơ chế khuyến khích người học. Việc đào tạo nghề chưa gắn kết với giải quyết việc làm nên chưa thật sự thu hút HS vào học nghề, chưa thuyết phục được phụ huynh về tương lai nghề nghiệp của con em mình…

HS KHÔNG ĐI HỌC SẼ ĐI ĐÂU?

Hiện nay, công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đi theo 4 luồng chính: Học tiếp lên THPT, học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề, vừa làm vừa học tiếp THPT theo hình thức GDTX và không tiếp tục học nữa mà đi làm.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, mỗi năm, tỉnh có gần 21 ngàn HS tốt nghiệp THCS, trong đó, có trên 70% HS tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 THPT. Số còn lại các em sẽ học GDTX, trung cấp nghề hoặc tham gia thị trường lao động.

Cụ thể, hằng năm, tỉnh có khoảng 5.000 HS không tiếp tục đi học sau khi đã tốt nghiệp THCS nên tỷ lệ huy động HS THPT so với dân số 15 - 17 tuổi còn thấp. Năm 2017, tỷ lệ huy động HS THPT và tương đương (gồm HS THPT, GDTX, trung cấp nghề) so với dân số 15 - 17 tuổi của tỉnh chỉ đạt 67,5%.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng HS tuyển sinh vào các trường trung cấp nghề trong những năm qua là vô cùng ảm đạm.

Nhiều trường tuyển không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, theo kế hoạch năm học 2016 - 2017, Trường Trung cấp Bách khoa Gò Công sẽ tuyển sinh 200 chỉ tiêu nhưng trường chỉ tuyển được 27 chỉ tiêu. Còn Trường Trung cấp Nghề Giao thông Vận tải chỉ tiêu tuyển sinh là 30 nhưng không tuyển được một chỉ tiêu nào…

Như vậy, con số khoảng 5.000 HS không đi học sau khi tốt nghiệp THCS sẽ đi đâu? Đó là câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm và ngành GD-ĐT cũng khá nan giải trong việc đi tìm lời giải. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết: “Do nhu cầu việc làm của xã hội cần nhiều lao động giản đơn hơn lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học nên nhiều em đã sớm vào đời để kiếm sống”.

Theo thầy Đặng Thanh Vui, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú (huyện Tân Phú Đông), năm học 2016 - 2017, trường có 215 HS tốt nghiệp THCS. Trong đó, số HS vào học THPT là 170 em và chỉ có duy nhất 1 em học nghề. Số HS còn lại chủ yếu nghỉ học đi lao động sản xuất bên ngoài.

“Đa số những em này có hoàn cảnh khó khăn và được gia đình ủng hộ cho việc nghỉ học để làm những công việc không cần bằng cấp mà có thể kiếm tiền ngay. Dù nhà trường kết hợp đoàn thể địa phương vận động để các em tiếp tục đi học nhưng vẫn không đạt được kết quả” - thầy Vui giải thích.

Nói thêm về vấn đề này, hiệu trưởng một trường trung cấp nghề của tỉnh cho biết, bên cạnh hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì thị trường lao động hiện nay đang rất thoáng, doanh nghiệp tuyển dụng quá dễ dãi, không cần trình độ. Bên cạnh đó, một số gia đình có điều kiện nhưng lại không muốn cho con đi học, vì họ cho rằng, học xong cũng không có việc làm hoặc làm nghề không phù hợp.

Thêm vào đó, tâm lý của một số em có xu hướng muốn kiếm tiền ngay mà không cần qua đào tạo chuyên môn. Dù các trường đã giải thích rất nhiều về xu hướng sử dụng lao động có trình độ tay nghề trong thời gian tới nhưng tình trạng HS đang học trung cấp tại các trường bỏ học giữa chừng để đi làm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Để nâng cao hiệu quả phân luồng HS sau THCS và giải bài toán khoảng 5.000 HS không đi học mỗi năm, cũng như thực hiện đạt chỉ tiêu huy động HS THPT và tương đương là 70,6% theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tỉnh đã đề ra hàng loạt các giải pháp.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức công tác phân luồng HS sau THCS đi đôi với phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nghề.

Bên cạnh đó là cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng HS sau THCS qua đào tạo nghề và tạo điều kiện thuận lợi để HS được học liên thông lên các cấp học cao hơn…

Đ.PHI

.
.
.