Thứ Ba, 08/05/2018, 06:56 (GMT+7)
.

Áp lực không đáng có

Quy định “không giao bài tập về nhà cho học sinh” hiện chỉ mới áp dụng công khai ở bậc tiểu học. Còn ở các bậc học khác, điều này phụ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi giáo viên.

Dư âm kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 có lẽ vẫn chưa qua đối với nhiều gia đình có con đang học tại một trường THCS ở TPHCM. Chia sẻ với chúng tôi, một phụ huynh có con học lớp 8 trường này cho biết, con học lớp chuyên Toán nên kỳ nghỉ lễ vừa qua, giáo viên bộ môn Toán đã giao cho mỗi bạn hơn 100 bài tập Toán về nhà làm trong 4 ngày nghỉ lễ.

“Tính ra trung bình mỗi ngày con tôi phải giải gần 30 bài toán. Tôi không nói đến mức độ khó, dễ của từng đề bài nhưng với số lượng đó đã tạo áp lực không hề nhỏ đối với con”, phụ huynh cho biết.

Trường hợp khác, một phụ huynh có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học kể rằng, nhiều hôm cả thứ bảy, chủ nhật giáo viên cũng cho học sinh rất nhiều bài tập về nhà.
 
“Con được nghỉ 2 ngày cuối tuần, ba mẹ chưa kịp lên kế hoạch vui chơi đã thấy con vùi đầu vào giải 50 bài toán và 2 đề tập làm văn. Có hôm thằng bé ôm cả chồng sách vở tranh thủ làm thêm bài tập khi theo ba mẹ về thăm nội, ngoại”, phụ huynh ngao ngán cho biết.
 
Chưa hết. Ở một số quận, huyện của TPHCM, phòng giáo dục lại cho học sinh thi kiểm tra học kỳ 2 vào ngày 2-5. Vậy là trong 4 ngày mọi người đều được nghỉ lễ thì các em phải lo ôn tập, vất vả gấp bội ngày thường để chuẩn bị thi ngay sau dịp lễ.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng học sinh bị giao bài tập về nhà vào dịp cuối tuần, các ngày nghỉ lễ trong năm, đặc biệt là đợt nghỉ Tết Nguyên đán khá phổ biến ở các trường học trên địa bàn TPHCM.
 
Có trường hợp, phụ huynh vừa cho con chuyển trường thì ngay ngày đầu tiên của năm học mới đã tá hỏa khi tất cả học sinh trong lớp đều ôm vở bài tập lên nộp cho cô giáo, trong khi cậu học sinh vừa được chuyển từ trường khác đến ngơ ngác không biết “mới đầu năm học cô đã cho các bạn giải bài tập gì?”.
 
Hỏi ra mới biết vào cuối năm học trước, giáo viên đã in sẵn rất nhiều đề cương ôn tập để học sinh mang về nhà giải dần trong những ngày hè để không quên kiến thức, đến ngày khai giảng năm học mới mang lên nộp cho giáo viên đánh giá.
 
Đáng nói là tất cả trường hợp trên đều không phải học sinh cuối cấp (tức lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh lên lớp 10 hoặc học sinh lớp 12 chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia) và ở cùng một khối lớp, trong cùng một trường học có giáo viên giao nhiều bài tập về nhà, có người chỉ yêu cầu học sinh xem lại kiến thức vào ngày nghỉ lễ cuối cùng trước khi đi học lại. 
 
Đem câu chuyện này trao đổi với nhiều giáo viên, chúng tôi nhận được lời giải thích: “Bài tập không mang tính chất đánh đố, chỉ nhằm mục đích hệ thống lại kiến thức giúp học sinh không quên bài vở trong các đợt nghỉ lễ dài ngày”.
 
Trong đó, có giáo viên lấy điểm số bài tập làm cột điểm kiểm tra 15 phút, có người chỉ dùng kết quả đó để đánh giá quá trình phấn đấu và tinh thần học tập của học sinh. 
 
Hiện nay, quy định “không giao bài tập về nhà cho học sinh” chỉ mới áp dụng công khai ở bậc tiểu học. Còn ở các bậc học khác, điều này phụ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi giáo viên.
 
Thiết nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục ngoài chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy cần quan tâm hơn đến việc “cởi trói” áp lực thành tích cho giáo viên để trường học thật sự trở nên thân thiện, giáo viên là những người truyền thụ tri thức tích cực chứ không phải kiểu học như nhiều năm qua.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.