Chủ Nhật, 29/07/2018, 06:50 (GMT+7)
.
GẮN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP VÀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG:

Giải pháp đột phá trong đào tạo nghề

Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động được xem là giải pháp đột phá trong đào tạo nghề hiện nay.

Tiền Giang hiện có 3 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở đào tạo khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở vừa nêu tham gia đào tạo nguồn nhân lực các nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên.

3 năm qua kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, nhất là từ khi có chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường trung cấp, cao đẳng trong tỉnh đã chủ động gắn kết với DN trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.

Việc gắn kết giữa các trường trung cấp, cao đẳng với DN trong và ngoài tỉnh tập trung vào các việc: Mời các DN tham gia góp ý xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia giảng dạy để cung ứng nguồn lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của DN; đưa giáo viên đến DN tìm hiểu và thực tập tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đến DN thực hành hoặc thực tập nghề nghiệp; DN tài trợ thiết bị và chuyển giao kỹ thuật cho giáo viên các trường trong đào tạo nghề; DN đưa máy móc, thiết bị đến các trường để phối hợp đào tạo nghề; DN tiếp nhận HSSV tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề vào làm việc...

Từ năm 2015 đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang đã thành công bước đầu trong việc gắn kết với DN trong đào tạo nghề. Đợt hiệu chỉnh và xây dựng mới 13 chương trình đào tạo nghề thuộc 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp có sự tham gia góp ý của 10 DN gắn bó, hợp tác lâu dài với nhà trường trong hoạt động đào tạo.

Công ty Sản xuất thương mại Cơ khí Hồng Ký (TP. Hồ Chí Minh) đã tài trợ cho trường các thiết bị nghề hàn phục vụ đào tạo nghề và quảng bá sản phẩm nghề hàn thông qua các HSSV học nghề tại trường. Công ty TNHH Knitpassion (Khu công nghiệp Long Giang) lắp đặt tại trường thiết bị đào tạo nghề dệt đan len theo chương trình đào tạo được thống nhất giữa 2 đơn vị.

Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang) ký ghi nhớ hợp tác với trường đào tạo nghề ngắn hạn và tiếp nhận HSSV thực tập và làm việc.

Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng DUHAL (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh) ký thỏa thuận hợp tác với trường trong phối hợp góp ý, xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận HSSV thực tập và tiếp nhận HSSV tốt nghiệp khóa đào tạo nghề vào làm việc tại công ty.

Các chi nhánh: Công ty TOYOTA, Công ty Cơ điện lạnh Bình Minh Én, Công ty cổ phần Cơ điện Đoàn Nhất… dù không ký thỏa thuận hợp tác với trường nhưng đã gắn kết lâu dài trong góp ý xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận HSSV thực tập nghề nghiệp và tiếp nhận HSSV tốt nghiệp vào làm việc.

Không chỉ gắn kết với DN, từ năm 2017, Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang còn gắn kết với Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang đào tạo trình độ sơ cấp các nghề điện lạnh, điện công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy cho học viên sắp hết thời gian cai nghiện trở về với gia đình; gắn kết với Trại giam Phước Hòa thuộc Bộ Công an đào tạo trình độ sơ cấp các nghề may, xây dựng cho phạm nhân sắp hết thời gian thụ án để tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng từ năm 2015, công tác đào tạo nghề tại các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh cũng có sự gắn kết ngày càng nhiều với các DN. Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công gắn kết trên 10 DN tiếp nhận thực tập và tuyển dụng học sinh tốt nghiệp vào làm việc các nghề may (Công ty cổ phần May Công Tiến, Việt Long Hưng - TX. Gò Công); nghề cơ khí (Công ty TNHH MTV KAISE - tỉnh Long An, Công ty Cơ khí Nhuận Tiến, Nguyễn Thanh Long - TP. Hồ Chí Minh); nghề hàn, điện công nghiệp và điện lạnh (Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đạt Thuận, Thế Minh - TP. Hồ Chí Minh)...

Ngoài việc gắn kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và các công ty xuất khẩu lao động ở TP. Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy duy trì sự gắn kết với Công ty TNHH Cơ Điện lạnh Bình Minh Én, Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát (tỉnh Long An)... trong tiếp nhận học sinh thực tập và tuyển dụng học sinh sau khi tốt nghiệp các nghề do trường đào tạo.

Riêng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè cũng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thị trường lao động nhờ gắn kết với các DN trên địa bàn tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai trong việc đưa học sinh đi thực tập và tuyển dụng lao động qua đào tạo.

Các nghề điện công nghiệp, điện dân dụng và điện lạnh, trường gắn với Công ty TNHH M.T.H (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Sao Việt (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Cơ sở Điện lạnh Tân (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); nghề kế toán DN, trường gắn kết với Công ty cổ phần TMDV (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)…

Gắn kết với DN và thị trường lao động là tín hiệu đáng mừng ở hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, sự gắn kết vừa nêu còn ở giai đoạn ban đầu, cần tiếp tục đi vào chiều sâu theo hướng: “Đa dạng hóa các hình thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN như: Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của DN, liên kết đào tạo giữa trường và DN, hợp tác cho HSSV vừa học, vừa làm tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN...” như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các Hội nghị về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

NGUYỄN QUANG KHẢI

Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang

.
.
.