Sự cố gian lận điểm thi ảnh hưởng đến tâm lý của thế hệ trẻ
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được coi là một chuyên gia giáo dục luôn có những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết với lĩnh vực giáo dục.
Là một người đang trực tiếp giảng dạy phổ thông, Thầy Trần Trung Hiếu đã trao đổi thẳng thẳn với SGGP về sự cố gian lận thi cử Hà Giang, Sơn La, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
* Phóng viên: Là một giáo viên, ông đánh giá thế nào với sự vào cuộc của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong sự cố gian lận thi cử này?
* Thầy Trần Trung Hiếu: Tôi nghĩ Bộ trưởng đã thận trọng, có động thái chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong việc xử lý sai phạm, phối hợp với công an, chính quyền các địa phương để giải quyết sự việc. Sự cố gian lận thi cử xảy ra, rõ ràng dư luận chờ đợi sự lên tiếng của Bộ trưởng.
Nhưng khi Bộ trưởng lên tiếng thì tôi và các đồng nghiệp cảm thấy không toại nguyện, điều mong chờ chưa thấy, vì dù đã nêu về sự cố Hà Giang, Sơn La nhưng Bộ trưởng đã thiếu lời xin lỗi. Nếu Bộ trưởng nói lời xin lỗi thì tôi cho rằng dư luận sẽ đỡ dậy sóng, đỡ phẫn nộ.
Dù bộ, ban, ngành nào, khi có sự cố tương tự xảy ra thì trước hết tư lệnh ngành phải nhận lỗi trước dân đã. Đó là lỗi quản lý, chứ không phải là Bộ trưởng gây ra lỗi đó, nhưng Bộ trưởng thay mặt những người đứng đầu ngành GD-ĐT xin lỗi trước dân, trước ngành với cả 2 góc độ: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và ĐBQH.
Dù là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hay bất cứ Bộ trưởng nào khác, họ vừa là thành viên Chính phủ, là ĐBQH, khi sự cố xảy ra ở ngành mình thì phải nhận trách nhiệm. Tôi và rất nhiều người đã chờ đợi lời nói thẳng thắn hơn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tôi cho rằng khi ngành GD-ĐT có sự cố như thế thì không thể nói Bộ trưởng vô can, vô trách nhiệm được.
Không phải Bộ trưởng gây ra sự việc, nhưng lời xin lỗi đó là Bộ trưởng thay mặt những người gây ra sự cố, những người quản lý sự nghiệp ở địa phương đó để xin lỗi trước dư luận, trước những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục, kể cả xin lỗi những thí sinh nằm trong vòng xoáy của sự gian lận đó.
Sau sự cố đã có hiện tượng quy chụp học sinh, giáo viên ở những địa phương đó, vì thế rất cần lời xin lỗi đối với họ.
Những người trong ngành chúng tôi đã chờ đợi lời xin lỗi đầy thắng thắn của người đứng đầu. Và nếu như Bộ trưởng làm điều đó thì sẽ làm cho dư luận bớt dậy sóng hơn cũng như có sự cảm thông hơn, sẻ chia hơn. Với tư cách trưởng ngành, anh xin lỗi nhân dân, giáo viên, học sinh.
Còn với tư cách ĐBQH, anh xin lỗi cử tri-những người đã bỏ phiếu bầu mình, đặt những kỳ vọng. Đó là lý do mà tôi cho rằng, sau sự cố gian lận thi cử gây rúng động năm 2018 này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chưa thẳng thắn lắm, thiếu thiện chí bằng việc đưa ra một lời xin lỗi.
*Cho đến thời điểm này thì kể cả Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, Sơn La - nơi xảy ra sự cố gian lận thi cử nghiêm trọng cũng như lên tiếng nhận trách nhiệm?
* Sự cố Hà Giang, Sơn La là biến cố nghiêm trọng của ngành giáo dục, là vụ gian lận trong thi cử lớn nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại.
Lãnh đạo 2 Sở GD-ĐT xảy ra sự cố không hề có động thái gì với dư luận, đó là điều rất lạ. Khi lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh đó cũng không lên tiếng, thì sự lên tiếng nhận trách nhiệm của Bộ trưởng sẽ còn thay mặt cả những cộng sự, cấp dưới của Bộ trưởng.
Cả Bộ trưởng, Giám đốc các sở đó theo tôi là phải có lời nhận lỗi trước nhân dân. Vì dù họ không gây ra, mà do cấp dưới gây ra nhưng về góc độ quản lý nhà nước thì thủ trưởng cơ quan không thể vô can được.
Trưởng phòng, phó phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Giang bị khởi tố hình sự thì Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang không thể vô can. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, các cán bộ chuyên viên sở GD-ĐT tỉnh Sơn La bị chỉ ra có sai phạm thì Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La không thể vô can được.
* Với tư cách một giáo viên phổ thông, ông đòi hỏi gì trong việc xử lý sự cố gian lận thi cử này?
* Trong lịch sử giáo dục thời phong kiến, quân chủ cũng đã có những vụ gian lận thi cử mà quan chức dính dáng đến việc sửa điểm, nặng nề thì họ đều bị trừng phạt rất nặng.
Chuyện đó là xưa nhưng không hề cũ. Ông cha ta thời xưa cũng đã xử lý rất nghiêm những người vi phạm.
Chúng ta thử hình dung nếu những sai phạm không được ngăn chặn và phát hiện, thì những thí sinh được nâng điểm cao để vào những trường như quân đội, y khoa, an ninh... sau này họ sẽ hành xử với công việc thế nào khi trình độ đầu vào thấp cũng như được trưởng thành từ sự gian dối.
Chúng ta bây giờ có hệ thống pháp luật đầy đủ nên càng phải xử lý nghiêm vụ việc lần này.
Sự cố gian lận ảnh hưởng đến tâm lý của thế hệ trẻ khi cho rằng thi cử bây giờ không phải là việc của học sinh nữa mà có sự can sự của người lớn, tiền bạc, quyền lực?
Sự cố khiến cho niềm tin của xã hội đối với giáo dục bị giảm sút, người dân lo lắng bệnh thành tích cũng như gian lận trong giáo dục. Đó là nỗi trăn trở rất lớn hiện nay của người dân.
Phụ huynh của 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang cũng có trách nhiệm, họ không phải vô can, chính họ là tong phạm với những đối tượng gây sai phạm.
* Từ sự cố gian lận năm nay, hiện rất nhiều ý kiến phản đối thi “2 trong 1”?
* Không phải đến bây giờ mà ngay từ đầu tôi đã không đồng tình thi “2 trong 1”. Trải qua 4 năm thi, thì qua 2 năm 2017, 2018 đã bộc lộ rõ nhất những sự việc để thấy thi “2 trong 1” có nhiều vấn đề.
Thi tốt nghiệp mà đỗ gần 100% thì không nên thi nữa, tốn kém không cần thiết. Nếu chỉ để xét tốt nghiệp thì kỳ thi “2 trong 1” không còn tác dụng nữa, như vậy nên bỏ để hạn chế tốn kém, phiền hà, áp lực. Nên để các Sở GD-ĐT, các trường phổ thông xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Thay vào đó dồn lực, trí tuệ cho kỳ thi đại học một cách sòng phẳng để chọn người tài. Với hình thức thi “2 trong1” thì người tài và không tài, người giàu và người nghèo, giữa con dân và con quan là không phân biệt được. Mà gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang là minh chứng rõ nhất.
Mặt khác, Bộ GD-ĐT cho rằng thi trắc nghiệm an toàn, tiết kiệm về tiền bạc, thời gian.. nhưng thực tế thì đâu còn an toàn nữa. Khâu coi thi, chấm thi, công bố kết quả.. đều đã có những kẽ hỡ. Thi trắc nghiệm cũng do con người tạo ra, dữ liệu do con người cài vào máy.
Máy chấm thì con người cũng điều khiển máy. Những khâu này cũng đã bị con người lợi dụng để trục lợi… cho thấy quy chế thi chưa thực sự chặt chẽ như bộ cam kết.
Vì thế, Bộ GD-ĐT cần phải hết sức lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học để hoàn thiện phương án thi tốt nhất, bảo đảm trung thực, khách quan nhất. Tôi không đồng ý hình thức thi “2 trong 1” cũng như hình thức thi trắc nghiệm.
(Theo sggp.org.vn)