Thứ Bảy, 21/07/2018, 20:11 (GMT+7)
.

Yêu cầu các địa phương rà soát lại khâu coi thi, chấm thi

Ngày 21-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu khẩn trương chỉ đạo việc nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.

Công văn nêu rõ: Sau khi công bố kết quả kỳ thi THPT năm 2018, Bộ đã tổ chức phân tích dữ liệu kết quả thi. Trên cơ sở phát hiện các dấu hiệu bất thường về kết quả thi ở các địa phương và tiếp nhận thông tin phản ánh trong dư luận xã hội,  Bộ GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định bài thi theo quy chế thi.

Nhằm bảo đảm công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi. Trong quá trình rà soát nếu phạt hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của quy chế và pháp luật.

Bộ cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi các địa phương triển khai công tác phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, bảo đảm đúng quy định của quy chế và quyền lợi chính đáng của thí sinh. Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi 2018 trên tinh thần trung thực, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD-ĐT, đồng thời phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi tiếp theo.

Đáng chú ý, Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo, quán triệt công tác truyền thông bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh báo cáo về Bộ trước ngày 1-8

Cũng trong ngày 21-7, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) vừa phân tích dữ liệu điểm thi THPT các tỉnh thành trong cả nước về điểm trung bình và tỷ trọng điểm 9 trở nên cho mỗi môn học. Kết quả có nhiều thông tin đáng chú ý.

GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là người đã có những thống kê, phân tích sau khi xử lý và chỉ ra điểm thi "bất thường" ở một số tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...
Lần này GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ các biểu đồ trình điểm trung bình và tỷ trọng điểm từ 9 trở lên cho mỗi môn học và mỗi tỉnh thành. Theo ông, kết quả thật sự có "nhiều vấn đề", không chỉ ở Hà Giang.

Cụ thể, nhìn vào các biểu đồ, có thể thấy các tỉnh ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình... có mức điểm trung bình nằm ở top thấp nhất nước. Nhưng cũng chính các địa phương này lại nằm ở top các tỉnh có tỷ trọng điểm 9 trở lên cao nhất nước ở các môn trọng điểm như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Văn.

Theo phân tích, Hà Giang (theo mức điểm khi chưa điều chỉnh điểm của 114 thí sinh bị nâng điểm) có tỷ trọng điểm từ 9 trở lên cao nhất cả nước ở 4 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, bỏ xa các tỉnh còn lại.

Ở môn Toán, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là 3 tỉnh có điểm trung bình hạng bét nhưng điểm tỷ trọng trên 9 lại cao nhất nước. Một số tỉnh thành phía Nam, điểm trung bình ở một số môn thuộc nhóm cao, nhưng hầu hết nằm cuối trong nhóm tỷ trọng có điểm từ 9 trở lên.

Đối với môn Văn - môn tự luận duy nhất, Cao Bằng tuy nằm trong nhóm điểm trung bình thấp nhưng dẫn đầu về tỷ trọng bài thi Văn đạt điểm 9 trở lên. (Cao Bằng chỉ 4.496 thí sinh dự thi nhưng có 85 bài thi đạt điểm 9 trở lên môn này chiếm 1,89%. Số lượng điểm 9 trở lên môn Văn của địa phương này gấp 17 lần TPHCM dù số học sinh dự thi kém 16,79 lần).
Tỷ trọng điểm môn Vật lý từ 9 trở lên nhiều nhất là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Tỷ trọng điểm môn Hóa từ 9 trở lên đứng đầu là Hà Giang, Điện Biên.
Tỷ trọng điểm 9 trở lên cao nhất ở môn Sinh thuộc về Hà Giang, Điện Biên.
Cao Bằng và Bắc Cạn có tỷ trọng điểm môn Văn từ 9 trở nên cao nhất nước.
Vĩnh Phúc là tỉnh có tỷ trọng điểm 9 trở lên cao nhất ở môn Địa.
Tỷ trọng điểm môn Sử cao từ 9 trở lên lần lượt thuộc về Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Sơn La, Hòa Bình…

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.