.

Để trẻ tự tin vào lớp 1

Cập nhật: 12:59, 24/08/2018 (GMT+7)

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có khoảng 28 ngàn trẻ vào lớp 1, tăng gần 3 ngàn trẻ so với năm học trước. Đến thời điểm này, học sinh lớp 1 của tỉnh đã tựu trường, bắt đầu làm quen trường lớp, giáo viên, bạn bè.

Tuy nhiên, vì sự thay đổi môi trường học từ mầm non vui chơi là chính sang học tập nghiêm túc ở lớp đầu cấp tiểu học nên nhiều trẻ khi vào lớp 1 đã không tránh khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. Do đó, trẻ rất cần được chuẩn bị tốt về tâm lý và những kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào bậc học hoàn toàn mới.

Thầy cô và phụ huynh cần có sự định hướng, đồng hành cùng trẻ để giúp trẻ tự tin vào lớp 1.
Thầy cô và phụ huynh cần có sự định hướng, đồng hành cùng trẻ để giúp trẻ tự tin vào lớp 1.

Ở bậc học mầm non, trẻ chủ yếu được vui chơi và làm quen với môi trường học tập. Thế nhưng, bước vào lớp 1, môi trường học tập của trẻ bị thay đổi.

Trẻ phải chịu nhiều áp lực khi chuyển sang học các chữ cái, con số và phép tính với những nội quy và kỷ luật dành cho học sinh tiểu học.

Nếu không kịp thích ứng với môi trường mới thì trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng dễ dẫn đến những biểu hiện không tốt về tâm lý và sức khỏe.

Vì vậy, phụ huynh cần đồng hành với trẻ trong việc trang bị những kỹ năng thiết yếu, giúp trẻ bớt đi cảm giác bỡ ngỡ để hòa nhập dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia tâm lý, để chuẩn bị tốt tâm lý, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với trẻ về sự thay đổi khác biệt của môi trường tiểu học so với môi trường mầm non; đồng thời, thực hiện những việc gồm: Tập cho trẻ ý thức dậy sớm để không bị muộn giờ học; giải thích cho trẻ hiểu lịch học tập hằng ngày khi học lớp 1.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên giới thiệu cho trẻ thấy những điều thích thú ở môi trường học tập mới như: Có thêm bạn, biết thêm nhiều điều hay, khi biết đọc, biết viết sẽ có nhiều điều thú vị...

Từ đó, trẻ hình dung việc đi học sẽ rất thú vị, không còn sợ hãi, lo lắng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự lập, biết phục vụ bản thân trong sinh hoạt hằng ngày như: Tự chuẩn bị quần áo đi học, sắp xếp đồ dùng học tập, tự thực hiện những việc cô giáo giao…

Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Dũng cho biết, giai đoạn chuyển từ bậc mầm non lên lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Lớp 1 là năm học đầu tiên, trẻ phải chuyển từ môi trường học tập vui chơi là chính ở bậc mầm non sang học tập nghiêm túc, với rất nhiều điều mới lạ.

Chính vì vậy, phụ huynh không nên ép trẻ phải học quá nhiều, tránh gây áp lực làm trẻ sợ hãi không muốn đi học. Phụ huynh nên đồng hành với trẻ để giúp trẻ tự tin, mạnh dạn vượt qua những thay đổi của bản thân khi tiếp cận với môi trường học tập mới.

Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) có 14 lớp 1, với 596 học sinh, tăng 97 học sinh so với năm học 2017 - 2018. Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, để trẻ nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới, cần có các bước chuẩn bị tâm lý cho trẻ ở những buổi đầu đến lớp.

Chẳng hạn, cha mẹ, thầy cô nên tìm cách động viên, khuyến khích trẻ học tập, không áp đặt, la rầy trẻ và không yêu cầu trẻ phải học tập hay làm bài tập quá nhiều. Cho trẻ được vừa học vừa chơi, trong đó có những trò chơi vận động thay vì phải ngồi gò bó liên tục tại bàn học suốt buổi.

Ngoài ra, phụ huynh, nhà trường cũng cần phải phối hợp để hướng dẫn trẻ làm quen với nền nếp sinh hoạt lớp, vệ sinh cá nhân, xếp hàng, tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…

“Các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng việc học của con mình sẽ không bằng bạn bè mà buộc con phải học thêm quá nhiều. Việc trẻ phải học thêm sớm và quá nhiều sẽ không có lợi cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều quan trọng vẫn là tâm lý và kỹ năng để trẻ có thể tự tin vào lớp 1, chứ không phải là chuẩn bị kiến thức chương trình học trước cho trẻ” - cô Bảy chia sẻ.

Lớp 1 nói riêng và bậc tiểu học nói chung là bậc học nền tảng trong giáo dục phổ thông. Thành công trong học tập ở bậc tiểu học là cơ hội lớn cho trẻ thành công ở các bậc học tiếp theo. Chính vì vậy, tạo cho trẻ một tâm thế thật sự thoải mái trước khi vào lớp 1 là việc làm hết sức cần thiết.

Đ. PHI

.
.
.