Thứ Ba, 07/08/2018, 08:45 (GMT+7)
.

Điểm chuẩn đại học 2018 giảm mạnh, chất lượng thí sinh có giảm?

Ngày 6-8, là ngày cuối các trường đại học, cao đẳng công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học đợt 1. So với năm 2017, điểm chuẩn của tất cả các trường đại học đều giảm, thậm chí giảm rất sâu, thấp hơn từ 3 đến 5 điểm so với năm 2017. Càng những ngành có điểm chuẩn cao năm 2017 thì mức biến động điểm càng cao.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Điểm chuẩn giảm gần 9 điểm
Điểm chuẩn biến động lớn nhất trong mùa tuyển sinh năm nay phải kể đến các ngành khối trường quân đội, công an. Đây cũng cũng là những trường có điểm chuẩn kỷ lục của năm 2017, khi có ngành điểm chuẩn lên đến trên 30 điểm, thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt.

Tuy nhiên, năm 2018, điểm chuẩn khối ngành công an chỉ dao động từ 22 đến 26 điểm. Nếu năm 2017, có tới 27 ngành học của các trường thuộc khối này có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên thì năm 2018, duy nhất Học viện Cảnh sát nhân dân có điểm chuẩn khối A đối với thí sinh nam lên đến mức 27,15 điểm. Đây cũng là ngành học có điểm chuẩn cao nhất của khối này.

Tương tự như khối công an, khối trường quân đội năm nay cũng có mức điểm giảm rất sâu so với năm 2017. Trong đó, tiểu biểu nhất có thể kể đến Học viện Quân y. Năm 2017, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường này là 27,25 điểm, cao nhất là 30 điểm, thì năm 2018 chỉ giao động từ 20 đến trên 26 điểm, không ngành nào chạm mốc 27 điểm. Mức giảm là từ 4 đến 6 điểm ở tất cả các ngành.

Trong đó, có ngành giảm đến gần 9 điểm. Cụ thể, khối A, điểm trúng tuyển giảm với thí sinh Nam miền Bắc năm nay là 20,05 điểm trong khi năm 2017 là 29 điểm, giảm 8,95 điểm.

Cũng có mức điểm chuẩn giảm sâu là khối ngành y, dược
Năm 2017, Đại học Y Hà Nội cán mốc điểm chuẩn cao kỷ lục khi Ngành Y đa khoa có điểm trúng tuyển lên đến 29,25 điểm, kèm theo tới 4 tiêu chí phụ. Theo đó, nhiều thí sinh dù đạt số điểm ngất ngưởng 29,25 điểm vẫn trượt vì thiếu tiêu chí phụ. Tuy nhiên, năm 2018, điểm chuẩn của ngành này chỉ còn 24,75 điểm, giảm 4,5 điểm.

Đại học Y Thái Bình cũng có điểm chuẩn giảm từ 4 đến 5 điểm so với 2017. Cụ thể, điểm ngành Y khoa giảm 4,8 điểm (từ 27,5 điểm năm 2017 xuống 22,7 điểm năm 2018), ngành Dược học giảm 4,45 điểm (từ 26 điểm năm 2017 xuống 21,55 điểm).

Tương tự, Khoa Y - Dược của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn giảm từ 3 đến hơn 4 điểm. Điểm chuẩn cao nhất của trường Khoa này năm 2018 là ngành Y khoa với là 22,75, giảm 4,5 điểm so với năm 2017.

Ở khối ngành kinh tế, mức điểm chuẩn cũng giảm khá sâu. Năm 2017, điểm chuẩn của hầu hết các ngành thuộc Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) đều quanh mốc 27 điểm thì năm 2018, chỉ giao động từ 23 đến 24 điểm, giảm từ 3 đến 4 điểm.

a
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: TTXVN

Không nằm ngoài dự đoán
Việc điểm chuẩn giảm không nằm ngoài dự đoán của lãnh đạo các trường đại học, ngay từ sau khi kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, khi đề thi được các chuyên gia nhận định là khó hơn so với năm 2017 ở tất cả các môn.

Trước những chỉ trích của dư luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phải lên tiếng thừa nhận trước Chính phủ về việc đề thi năm nay chưa phù hợp với yêu cầu của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, đề thi năm nay đặt mục tiêu có tính phân hóa cao hơn để khắc phục việc điểm thi quá cao, khiến thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt, của năm 2017.

Từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 theo các tổ hợp môn thi xét tuyển đại học, mức điểm chuẩn xét tuyển được các trường đại học dự kiến sẽ giảm từ một đến ba điểm so với năm 2017.

Tuy nhiên, thực tế sau khi công bố điểm chuẩn cho thấy, mức giảm sâu hơn so với dự đoán.

Theo của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Đại học Giao thông vận tải. Theo ông Chương, mức điểm chuẩn năm nay giảm sâu ngoài lý do điểm thi giảm còn do điểm ưu tiên theo vùng, miền cũng giảm.

Cụ thể, từ năm 2017 trở về trước, điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm. Tuy nhiên, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi quy chế thi. Theo đó, mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp giảm 50%, từ 1 điểm xuống còn 0,5 điểm.

Theo ông Chương, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc vào điểm thi, điểm ưu tiên, và tương quan giữa số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu tuyển sinh. Năm nay so với năm 2018 thì điểm thi giảm, điểm ưu tiên giảm, tổng chỉ số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 7,5% nhưng tổng chỉ tiêu cũng tăng 1,2%.

Ông Chương cho rằng, với tương quan đó, điểm chuẩn đại học giảm là tất yếu. “Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với chất lượng đầu vào năm nay thấp hơn năm 2017,” ông Chương nói.

Đây cũng là nhận định phó giáo sư Lê Hữu Lập, trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. “Thước đo điểm số năm nay khác so với năm 2017, khác từ mức độ khó, dễ của đề thi đến điểm cộng ưu tiên. Vì thế, không thể lấy điểm thi của năm nay và năm 2017 để so sánh về mặt chất lượng thí sinh,” ông Lập nói.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển, thí sinh sẽ phải xác nhận việc nhập học trước 17 giờ ngày 12-8. Sau thời hạn trên, nếu không nhận được xác nhận của thí sinh, trường có quyền hủy kết quả trúng tuyển.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/diem-chuan-dai-hoc-2018-giam-manh-chat-luong-thi-sinh-co-giam/517591.vnp)

.
.
.