.
Thi THPT quốc gia năm 2019:

Tăng tính minh bạch, giảm thiểu nguy cơ tiêu cực

Cập nhật: 14:03, 08/12/2018 (GMT+7)

Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như các chuyên gia, thầy cô giáo.

Nhìn chung xã hội đồng thuận, đánh giá cao những cầu thị và quyết tâm cải tiến của bộ để hướng đến kỳ thi thật sự nghiêm túc.

Các em học sinh khối 12 năm học 2017-2018 đang làm bài thi  tốt nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các em học sinh khối 12 năm học 2017-2018 đang làm bài thi tốt nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kết quả kỳ thi đáng tin cậy hơn

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học (ĐH) Nông lâm TPHCM, đánh giá: Ngoài việc giữ ổn định, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có nhiều điều chỉnh với mong muốn theo hướng tốt hơn.

Cụ thể, bộ dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Tỷ lệ này theo quy chế cũ là 50 - 50.

Như vậy, “phao cứu sinh” điểm học bạ sẽ giảm mức độ ảnh hưởng. Điểm mới này đồng nghĩa với việc không khuyến khích các trường ưu tiên xét tuyển bằng học bạ và kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn đáng tin cậy hơn.

Việc quyết định công bố bảng phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi giúp các trường xác định nguồn tuyển chính xác hơn, tránh ảo.
 
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào sẽ phụ thuộc vào độ khó đề thi. Do đó, mức độ phân hóa của đề thi rất quan trọng, tránh sự biến động quá lớn như 2 năm liền kề vừa qua.

Cũng cần phải kể đến vấn đề giao cho trường ĐH chấm thi trắc nghiệm, chứng tỏ mục tiêu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn rất quan trọng và cần độ tin cậy cao để các trường xét tuyển.

Chưa biết việc chấm này sẽ tiến hành tại địa phương hay đưa về trường, tuy nhiên về nguyên tắc, ai chấm thì sẽ lưu trữ và chịu các trách nhiệm khác. Việc này cần cân nhắc thêm để mục tiêu hiệu quả (kết quả/chi phí) của kỳ thi được bảo đảm.

“Việc đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm và đặt camera giám sát đề thi, bài thi, chấm thi… là cách để phòng ngừa gian lận, triệt tiêu sự can thiệp tiêu cực của yếu tố con người”, TS Trần Đình Lý khẳng định.

Chung nhận định, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết về phương án tổ chức thi và chấm thi cũng như công tác xét tốt nghiệp năm nay được cải tiến theo chiều hướng tăng cường công tác giám sát, tăng tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tiêu cực.

Năm 2019, việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỷ lệ điểm, trong đó điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% là một cải tiến tốt, giúp đánh giá quá trình và cũng giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh.

Vẫn cần lưu ý trong tổ chức thi và chấm thi

Vẫn theo Th.S Phạm Thái Sơn, về công tác tổ chức thi, việc giao cho các trường ĐH chủ trì mặc dù có thể phức tạp hơn cho các trường trong công tác chuẩn bị, nhưng cũng sẽ giảm thiểu được tiêu cực xảy ra như năm 2018. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì có một số góp ý.

Cụ thể như trong phương án tổ chức in sao đề thi, nên bố trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi 3 chung, các trường ĐH chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi bài thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi.

Các điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện và tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có thể trộn danh sách thí sinh. 

Về công tác chấm thi, việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn, ví dụ như tập trung ở Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng… Điều này vừa đảm bảo an toàn vừa giảm thiểu chi phí tổ chức.

Trong công tác chấm trắc nghiệm, ngoài việc tăng cường công tác bảo mật thông tin qua biện pháp kỹ thuật thì việc chấm tập trung sau đó gửi trực tiếp dữ liệu điểm thi về Bộ GD-ĐT để tổng hợp, từ đó trả kết quả về các sở GD-ĐT để tổng hợp chung bài tự luận, sẽ là biện pháp an toàn trong công tác bảo mật dữ liệu. Trong việc chấm tự luận, khâu làm phách và bảo mật phách là quan trọng.

Chính vì vậy, chỉ cần các trường ĐH chủ trì thì vấn đề này cũng đã giải quyết được những khả năng tiêu cực. Trong khâu chấm thi, trường ĐH kiểm soát chặt khâu thống nhất phương án chấm dựa trên đáp án, hướng dẫn chấm của bộ và giám sát khâu chấm kiểm tra thì sẽ ngăn ngừa được tình trạng “chấm lỏng, chấm nới”.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, kiến nghị cần đưa thêm biện pháp yêu cầu thí sinh tự gạch trắng trên bài tự luận khi nộp bài, bởi qua theo dõi tiêu cực vẫn xuất hiện tình trạng bài tự luận được viết thêm sau đó.

Ví dụ như trong năm 2016, có trường hợp bài tự luận được rút ra từ túi đựng bài thi để viết thêm, sau đó cho lại túi bài thi. Nếu gạch trắng thì sẽ chống được cách tiêu cực như vậy.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cho rằng việc tăng trọng số của điểm thi tốt nghiệp là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên có văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT giám sát việc đánh giá quá trình 3 năm học THPT, đề phòng nâng điểm để bù lại trọng số xét tốt nghiệp giảm đi.

Bên cạnh đó, rất cần phối hợp với Bộ Công an để xử lý thật nghiêm cán bộ vi phạm quy chế thi tốt nghiệp ở các địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình để răn đe chung những ai dám vi phạm pháp luật.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.