.

Tăng cường giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Cập nhật: 14:55, 21/04/2019 (GMT+7)

Bạo lực học đường (BLHĐ) đang là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt công tác phối hợp và triển khai các biện pháp phòng, chống BLHĐ xảy ra trong trường học. Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng của tình trạng BLHĐ như hiện nay, thì việc tăng cường các giải pháp kéo giảm tình trạng này là hết sức cần thiết. 

Trường THPT Bình Đông (TX. Gò Công) tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với BLHĐ” dành cho học sinh.
Trường THPT Bình Đông (TX. Gò Công) tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với BLHĐ” dành cho học sinh.

NGUYÊN NHÂN CỦA BLHĐ

Không riêng năm học 2018 - 2019, mà trong các năm học qua, Sở GD-ĐT đều triển khai nhiều văn bản cũng như chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện những giải pháp phòng, chống BLHĐ.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, tình trạng BLHĐ ở các trường học trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm trong mức kiểm soát, chủ yếu xảy ra những vụ gây gỗ, đánh nhau gây mất an ninh trật tự xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ giữa học sinh với học sinh; có rất ít trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn giữa học sinh với các đối tượng bên ngoài.

Bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ

Đó là tên gọi của Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố của cả nước do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì vào sáng 17-4. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh.

Theo các nhận định tại hội nghị, thời gian qua, mặc dù ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, song vấn đề BLHĐ vẫn có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, tác động đa chiều từ môi trường gia đình, xã hội… Thực tế này đòi hỏi ngành GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng BLHĐ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành GD-ĐT cần chủ động, tiên phong để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, trong đó chú trọng vào các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn BLHĐ là chính, quan tâm hóa giải các nguyên nhân dẫn đến BLHĐ…

Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, làm rõ hơn thực trạng BLHĐ hiện nay; phân tích các nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm xây dựng trường học an toàn như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phòng, chống BLHĐ; nêu cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường đối với việc phát hiện, hóa giải các nguyên nhân có nguy cơ dẫn đến BLHĐ; xây dựng Phòng Tư vấn tâm lý học sinh trong trường học….

Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2017, tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 301 vụ liên quan đến BLHĐ, làm chết 4 người, bị thương nhẹ 56 người. BLHĐ xảy ra hầu hết ở các cấp học, trong đó tiểu học (1 vụ), THCS (152 vụ), THPT (133 vụ) và giáo dục thường xuyên (15 vụ).

Theo nhận định của ngành chức năng, BLHĐ xảy ra chủ yếu ở học sinh cấp THCS và THPT, trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi, đây là lứa tuổi phát triển nhanh, hành động theo bản năng, thích thể hiện.

Về tính chất, có 263/301 vụ BLHĐ ở mức đánh nhau, 1/301 vụ xâm hại tình dục, 2/301 vụ uy hiếp tinh thần và có 35/301 vụ xảy ra ở các hình thức khác.
BLHĐ được cho là xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh, BLHĐ xuất phát từ việc không giải quyết được mối quan hệ ở 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tế, ở môi trường gia đình hiện nay là các bậc cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, chưa có biện pháp hữu hiệu để giáo dục con.

Ở môi trường nhà trường, cách học và thi hiện nay vẫn còn khá nặng nề, chiếm hầu hết thời gian của học sinh khiến các em không có thời gian để vui chơi, giải trí. Còn ở môi trường xã hội, học sinh đang bị ảnh hưởng, tác động của sự xuống cấp về mặt đạo đức, những tiêu cực của mạng xã hội…

“BLHĐ hiện tại không chỉ đơn thuần là những hình ảnh chúng ta nhìn thấy học sinh đánh đấm, túm tóc, xé áo nhau… mà còn là vấn đề lan truyền những video trên mạng internet với các hình thức tinh vi, táo bạo hơn nhằm mục đích hạ nhục đối phương, gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho những học sinh là nạn nhân” - đồng chí Nguyễn Hồng Oanh lý giải thêm.

Còn theo thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, BLHĐ ngày càng gia tăng là do xã hội phát triển, học sinh tiếp cận quá nhiều nguồn thông tin, phim ảnh bạo lực, các đối tượng xấu cũng như bị ảnh hưởng của game online (trò chơi trên mạng internet) bạo lực...

BLHĐ không chỉ xảy ra tại các trường học ở thành thị, mà còn cả trường học vùng nông thôn, với số lượng và mức độ càng tăng, trong khi vấn đề bồi dưỡng kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân cho học sinh chưa được các trường quan tâm.

Một thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều học sinh biết BLHĐ là sai trái mà vẫn thực hiện với bạn mình, hoặc bản thân nhìn thấy hay chứng kiến nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, bị trả thù… Chính điều này đã tạo điều kiện cho BLHĐ ngày càng gia tăng. 

LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CHẶN BLGĐ?

Đi tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng BLHĐ là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Theo các chuyên gia, trước hết cần củng cố lại mối quan hệ của 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Ở gia đình, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển tâm sinh lý của con em mình, đặc biệt là các em vị thành niên. Nhà trường cần có sự quản lý học sinh chặt chẽ hơn nữa, nhất là giám sát các hoạt động trong giờ ra chơi, những góc khuất ở sân trường, cổng trường…

Bên cạnh đó, nhà trường cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm của học sinh để có biện pháp giáo dục và uốn nắn các em. Ngoài ra, các trường học cần chú trọng việc giáo dục đạo đức cho học sinh từ thực tế hơn là truyền tải trong sách giáo khoa; đồng thời, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa…

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Oanh, để phòng, chống BLHĐ thì trước hết phải lấy giáo dục để dạy bảo học sinh là chủ yếu. Việc hạn chế BLHĐ không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành GD-ĐT, mà cần có sự chung tay của toàn xã hội để hướng đến môi trường giáo dục không có BLHĐ.             

                               Đ.PHI

.
.
.