Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nguy cơ gây tai nạn, thương tích (TNTT) vẫn thường xuyên xảy ra, cuớp đi sinh mạng của nhiều trẻ em hoặc làm cho nhiều trẻ em bị tàn tật, gây bao đau khổ, thậm chí trở nên nghèo khó cho các gia đình có trẻ bị TNTT... Do đó, việc phòng tránh TNTT cho trẻ em luôn là vấn đề cấp thiết.
Nhiều lớp tập bơi cho trẻ em được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.L |
TNTT xảy ra ở trẻ em chủ yếu là đuối nước, bị ngộ độc thực phẩm, bị côn trùng đốt hoặc bị các con vật cắn, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt vui chơi… TNTT ở trẻ em thường để lại những hậu quả nặng nề như gây tử vong, mang thương tật suốt đời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT cho trẻ em nhưng đa số các tai nạn gây tử vong và thương tật cho trẻ em là do người lớn bất cẩn và sự thiếu hiểu biết của chính bản thân các em, vì phần lớn các tai nạn đều có thể phòng tránh được.
Bên cạnh đó, do kiến thức về bảo vệ an toàn cho trẻ em trong cuộc sống của người dân còn thấp, ý thức chấp hành luật pháp và các quy định về an toàn cho trẻ em chưa nghiêm. Môi trường sống của trẻ em ở gia đình, nhà trường cũng như xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến các nguy cơ gây ra TNTT cho trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra. Đồng thời, do chưa lường hết được những nguy hiểm có thể xảy ra nên mọi người vẫn chưa có ý thức phòng ngừa TNTT trẻ em, nhất là phòng ngừa tai nạn đuối nước.
Nhằm hạn chế TNTT cho trẻ em, Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức như: Cấp phát hơn 10 ngàn tờ rơi, tờ bướm về phòng, chống TNTT trẻ em, với kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng; tổ chức diễn đàn, hội thi, hội thảo chuyên đề, tập huấn về phòng tránh TNTT trẻ em…
Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành trọng điểm về TNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các hoạt động xây dựng và giám sát việc thực hiện quy định về mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” trong phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước.
Theo đó, tỉnh đã mở nhiều lớp tập bơi cho trẻ em, cấp phát hàng chục ngàn áo phao, cặp phao cho trẻ em học bơi. Đặc biệt hoạt động phòng, chống đuối nước cho các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 16 tuổi tại cộng đồng đã được triển khai thực hiện tại 116/173 xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh, với 5.800 lượt người tham dự…
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Quyết định 234 ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bản tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Qua đó, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ và nhân dân về những nguyên nhân, tác hại của các loại TNTT đối với trẻ em cũng như cách phòng, chống. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp nhằm nâng cao kiến thức, vai trò, trách nhiệm và thay đổi hành vi của gia đình và cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới…
C.H