Bài dự thi Giải Báo chí Nguyễn Đức Cảnh:
Khi công đoàn chăm lo đời sống cho giáo viên
Cập nhật: 14:05, 04/06/2019 (GMT+7)
(ABO) Phương châm hành động mà Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn cơ sở (CĐCS) và tất cả thầy, cô giáo của Trường THPT Tứ Kiệt (TX Cai Lậy) luôn hướng đến là môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi: “ Yêu thương - an toàn và tôn trọng” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trường THPT Tứ Kiệt hiện có 68 cán bộ, giáo viên và công nhân viên (65 biên chế, 3 hợp đồng); trong đó có 2 cán bộ quản lý, bộ phận gián tiếp có 9 người và 57 giáo viên được phân công giảng dạy 28 lớp với 1.058 học sinh. Bên cạnh những thuận lợi như được chỉ đạo của Ban Thường vụ Công đoàn ngành, của Chi bộ Đảng, sự phối hợp tốt giữa BCH Công đoàn ngành và Ban Giám hiệu nhà trường cùng với sự đoàn kết, nhiệt tình của tập thể đoàn viên thì CĐCS của trường nói riêng và Trường THPT Tứ Kiệt nói chung vẫn còn gặp không ít khó khăn do những yếu tố khách quan và chủ quan.
Hiệu trưởng nhà trường Phạm Văn Nghĩa cùng đại diện Công đoàn và Đoàn trường trao tiền của giáo viên, cựu học sinh và mạnh thường quân giúp đỡ em Phạm Thanh Huy, lớp 12A3 bị tai nạn giao thông. |
So với các trường THPT trong địa bàn thì phần đông học sinh của Trường THPT Tứ Kiệt có tỷ lệ đầu vào rất thấp (3 môn chỉ từ 7 - 9 điểm trong), mất căn bản ở cấp dưới, không thích học, ít quan tâm đến việc học, dẫn đến một bộ phận học sinh còn yếu cả đạo đức và học lực, nhất là học sinh lớp 10.
Địa bàn học sinh rộng, phần lớn là ở nông thôn, nhiều gia đình nghèo, gửi con cho ông bà, người thân để đi làm xa, giao phó trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Tỷ lệ học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn, bệnh tật, có hoàn cảnh bất hạnh nhiều... Một số phụ huynh có quan tâm nhưng mất khả năng kiểm soát việc học và chơi của con mình nên ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của nhà trường. Tỷ lệ học sinh có nguy cơ bỏ học cao...
Đứng trước những khó khăn đó, BCH CĐCS trường đặt ra 2 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất để đội ngũ công đoàn viên của trường an tâm công tác. Hai là, chăm sóc, giúp đỡ học sinh nghèo, thực hiện tốt công tác “Ba đủ”. Nhiệm vụ then chốt là giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kỹ năng sống với mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh: Dạy chữ, dạy người; chống nguy cơ bỏ học của học sinh, tăng tỷ lệ duy trì sĩ số...
Để thực hiện tốt nghị quyết mà nhà trường đã thống nhất, trước hết BCH Công đoàn trường xác định là phải xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. BCH Công đoàn trường đã thường xuyên đề xuất với Ban Giám hiệu thực hiện đầy đủ các chính sách, về quyền lợi: Như chế độ giờ chuẩn, giờ cho giáo viên có con nhỏ, giáo viên tập sự, cải thiện điều kiện làm việc... BCH Công đoàn trường phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời và công bằng các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp ốm đau, các chế độ bảo hiểm, phụ cấp đứng lớp...
Điểm đặc biệt là từ nhiều năm nay, nguồn Quỹ “ Vì Trẻ thơ” luôn được duy trì và hoạt động có hiệu quả mang đặc trưng riêng của công đoàn trường Tứ Kiệt. Cô Nguyễn Thị Gọn, Chủ tịch Công đoàn trường THPT Tứ Kiệt cho biết: Quỹ “Vì trẻ thơ” này được lập ra trên tinh thần tự nguyện từ tấm lòng của các thầy, cô giáo đã lập gia đình trong trường đóng góp mỗi tháng 10.000 đồng/1 giáo viên.
Ngoài ra, quỹ còn được bổ sung từ các nguồn khác như: Tiền bán các loại trái cây như chuối, xoài, dừa... được trồng xung quanh khuôn viên trường và tiền bán phế liệu chai nhựa uống nước của học sinh vừa góp phần bảo vệ môi trường “Xanh - sạch - đẹp”, vừa tạo quỹ hoạt động với số tiền hằng năm gần 10 triệu đồng. Đối tượng thụ hưởng của nguồn quỹ này chính là con của các công đoàn viên của trường.
Nguồn quỹ này được dùng để khen thưởng cho con giáo viên đạt thành tích học tập cao như: Đạt học sinh giỏi cuối năm, chi khen thưởng cho các cháu đậu đại học, các cháu đạt thành tích rèn luyện toàn diện, chi tiền xe tổ chức cho các cháu đi tham quan nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, chi hỗ trợ tổ chức và quà cho các cháu nhân dịp Tết Trung thu.
Số tiền này cũng dành để thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho con của thầy, cô bị bệnh... Tuy số tiền không nhiều nhưng đó là nguồn động viên đã thực sự đem lại niềm vui, niềm phấn khởi, sự đoàn kết gắn bó trong nhà trường, tạo không khí đầm ấm, nhân văn của tình đồng nghiệp. Từ đó khối đoàn kết trong nhà trường được thắt chặt hơn, công tác chuyên môn được khởi sắc hơn.
Thầy Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mảng hoạt động “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho học sinh đến trường) của CĐCS trường được duy trì thường xuyên và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận và cũng chính là niềm tự hào của nhà trường. Số tiền, hiện vật, đồng phục mà CĐCS và các thầy, cô đóng góp và kêu gọi vận động hỗ trợ đóng góp cho học sinh nghèo hằng năm hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, có nhiều căn nhà tình thương, “Mái ấm khuyến học” được xây cho học sinh, chương trình “Đồng phục cho em” được lan tỏa từ những tấm lòng được duy trì hơn 10 năm nay đã góp hơn 2.000 bộ đồng phục cho học sinh đến trường. Tính từ 5 năm trở lại đây, tổng số tiền mặt, chưa kể hiện vật là trên 3 tỷ đồng.
Chính những hoạt động này đã giúp rất nhiều học sinh nghèo, khó khăn có nguy cơ bỏ học được nâng bước đến trường và tự tin vào giảng đường các trường cao đẳng, đại học... Công tác “Ba đủ” đã phát huy thế mạnh, giúp nhà trường giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, duy trì sĩ số năm sau cao hơn năm trước. Minh chứng là ở năm học 2018 - 2019, tỷ lệ duy trì sĩ số của trường đạt 96,1% ( giảm 0,7% tỷ lệ HS bỏ học so với năm học 2017 - 2018). Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm học 2017 - 2018 là 94,6%. Số lượng học sinh vào cao đẳng, đại học ngày càng nhiều.
Việc đảm bảo quyền lợi cho các em trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mình cũng được nhà trường thực hiện tốt: 100% học sinh của trường đều có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nếu gia đình học sinh nào quá khó khăn, nhà trường sẽ vận động hỗ trợ. Hằng năm, học sinh đều được khám sức khỏe...
Để có được những kết quả này, có thể nói Ban Giám hiệu, BCH CĐCS nhà trường đã kết hợp tốt với Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học các cấp, mạnh thường quân, cựu học sinh, các cơ quan báo chí, các Chương trình “Nâng bước đến trường” của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Báo Ấp Bắc, Báo Tuổi Trẻ để tiếp sức cho học sinh đến trường. Trong năm, có nhiều học sinh được nhận học bổng “Nâng bước đến trường”.
Có thể nói, BCH Công đoàn trường kết hợp rất tốt với Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên, Giáo viên chủ nhiệm công tác tuyên truyền, vận động để hỗ trợ kịp thời cho học sinh khi các em gặp khó khăn. BCH Công đoàn phân công hẳn 1 công đoàn viên phụ trách mảng truyền thông xác minh, viết bài, liên hệ, kết nối nhiều nguồn để tiếp sức. Các chương trình học bổng của các báo, đài luôn được nhà trường chú ý ghi nhận và khi có đối tượng, trường hợp học sinh nào phù hợp với tiêu chí đề ra là nhà trường liền giới thiệu. Nhờ đó, nhiều học bổng thường niên dành cho học sinh nghèo, mồ côi, khó khăn được duy trì. Hiện tại, có những học sinh mồ côi được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu trong suốt thời gian học ở trường và cả khi vào đại học như em: Ngô Thị Bích Tuyền (12A7), em Mai Thị Hương Yến (10A6), em Võ Hồng Châu (12A4)…
Ngoài sự hỗ trợ quý báu của các mạnh thường quân, sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ của thầy, cô trong trường cũng rất đang trân trọng. Khi biết HS nào không có tiền đóng học phí, bị bệnh không có tiền điều trị là thầy, cô sẵn lòng giúp ngay như cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Mỹ Dung, cô Lê Phúc Loan, thầy Nguyễn Hồng Phúc và rất nhiều thầy, cô nữa sẵn sàng tích lương giúp các em. Hay như thầy Võ Quốc Vân, thầy Lê Văn Hưởng, thầy Trần Minh Trung, cô Mỹ Phương lặn lội đi xác minh, viết bài cho các em xin học bổng, xin gạo, quà tết cho các em thật cảm động đến dường nào!
Nhờ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công đoàn viên và học sinh của BCH Công đoàn Trường THPT Tứ Kiệt trong thời gian qua đã và đang góp phần tích cực trong việc ổn định tư tưởng, giúp cho thầy, cô và học sinh yên tâm công tác, học tập ngày càng gắn bó với nhà trường, từ đó hết mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, nâng cao vị thế của nhà trường, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước để ngôi trường THPT Tứ Kiệt thật sự là Ngôi nhà Hạnh phúc của tất cả những ai đang công tác và học tập ở đây.
NGUYỄN MỸ PHƯƠNG