Thứ Tư, 12/06/2019, 16:09 (GMT+7)
.
Thầy Phan Quang Chiêu:

Nhận bằng Tiến sĩ ở tuổi gần 60

(ABO) Trong số 4 tân Tiến sĩ vừa được tỉnh Tiền Giang vinh danh, Tiến sĩ Phan Quang Chiêu được nhiều người ngưỡng mộ vì nỗ lực hoàn thành chương trình học Tiến sĩ chuyên ngành Địa Kỹ thuật xây dựng ở tuổi gần 60.

ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT XÂY DỰNG

Tiến sĩ Phan Quang Chiêu hiện là Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Kỹ thuật Xây dựng - Trường Đại học Tiền Giang. Thắc mắc vì sao dù gần tuổi hưu mà vẫn học tiến sĩ, thầy Phan Quang Chiêu chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ có ý định phải có bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Vì với tôi quan trọng hơn hết vẫn là kiến thức, là chuyên môn, nghiệp vụ, niềm đam mê nghiên cứu khoa học chứ không phải bằng cấp. Trong quá trình công tác, giảng dạy, tôi có nhiều đề tài nghiên cứu. Thấy đề tài của tôi khả thi nên các thầy cô chung khoa, chung trường khuyên tôi nên nghiên cứu luận án Tiến sĩ. Vì thế, tôi đã có bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh”.  

Tiến sĩ Phan Quang Chiêu
Tiến sĩ Phan Quang Chiêu.

Không đơn giản khi theo đuổi chương trình học suốt 7 năm, Tiến sĩ Phan Quang Chiêu đã có 7 bài báo được đăng trên tạp chí Khoa học Quốc tế và trong nước về kỹ thuật xây dựng cầu, đường. Luận án Tiến sĩ của thầy Chiêu là Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm và thành phần hạt mịn đến mô đun đàn hồi (MĐĐH) của nền đường đắp đất sét pha cát ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Thầy Chiêu cho biết: “Hầu hết các tuyến đường vùng ĐBSCL đều bị ngập lũ, trong thời gian ngập lũ, độ ẩm nền đường gia tăng, MĐĐH giảm đáng kể, hiện tượng biến dạng của nền đường gia tăng. Xác định được biến dạng của nền đường thông qua MĐĐH theo sự thay đổi của độ ẩm và thành phần hạt mịn của đất sẽ giúp khai thác đường hiệu quả hơn”.

Thầy Chiêu bảo vệ luận án Tiến sĩ
Thầy Chiêu bảo vệ luận án Tiến sĩ.

Công tác thiết kế đường cần thiết quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến MĐĐH của loại đất dính được sử dụng làm nền đường. Chiều dày của các lớp mặt đường được xác định dựa trên MĐĐH của nền đường.

Xác định chính xác giá trị MĐĐH của nền đường sẽ giúp tính toán chính xác độ biến dạng của mặt đường và ngăn ngừa sự xuất hiện của các vết nứt trên mặt đường; đặc biệt là giai đoạn nền đường bị ngập lũ, độ ẩm nền đường gia tăng, MĐĐH của nền đường giảm đáng kể.

Khả năng ứng dụng đề tài của thầy Chiêu rất lớn cho cả vùng ĐBSCL. Thầy Chiêu cho biết thêm: “Khi nước lũ dâng hoặc nước biển dâng sẽ tăng độ ẩm lên đường, chỉ cần lấy mẫu đất, đánh giá được độ ẩm là có thể biết được tuyến đường đó cho xe bao nhiêu tấn khai thác. Hiện tại có nhiều tuyến đường không đo được độ ẩm nên có những tuyến đường không cho xe chạy. Rất lãng phí khi có đường mà không cho xe chạy, chạy thì sợ hư đường, mà chạy bao nhiêu là vừa. Ví dụ, khi đo được độ ẩm, độ ẩm cao thì hạ tải trọng xe”.

Tiến sĩ Phan Quang Chiêu (bìa phải) nhận vinh danh của UBND tỉnh
Tiến sĩ Phan Quang Chiêu (bìa phải) nhận vinh danh của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thầy Chiêu say sưa kể về quá trình nghiên cứu của mình. Để có được kết quả, trong thời gian nghiên cứu thầy Chiêu đã đắp con đường rộng 4,5 m, chân xuống 8 m, dài 20 m, cao 1,5 m, đắp đồng nén, 2 bên đào mương, tạo mô hình giống thực tế. Thầy cho ngập nước 2 bên đường, thí nghiệm trên đó lấy kết quả so sánh để tìm ra quy luật.

NGHIÊN CỨU PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Năm 1983, Phan Quang Chiêu tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, với tấm bằng Kỹ sư cầu đường. Từ năm 1989, thầy Chiêu làm thiết kế, giám sát, quản lý thi công đường, cầu tại Sở Giao thông vận tải. Đến năm 2006, khi Trường Đại học Tiền Giang thành lập, thầy đã về giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật xây dựng của trường cho đến nay.

Mô hình nền đường ngập lũ
Mô hình nền đường ngập lũ.

Trong thời gian làm việc tại Sở Giao thông vận tải, thầy Chiêu thường xuyên đi khảo sát, thiết kế, quản lý thi công các tuyến đường, cầu trên địa bàn tỉnh. Thầy Chiêu tâm sự: “Trong một lần đi khảo sát các cây cầu tại xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông. Sau cơn mưa tôi thấy một người đàn ông bị tật chỉ có một chân đi qua cây cầu bằng bạch đàn, trơt trượt, người bình thường đi còn khó nói chi đến người khuyết tật. Lúc đó, tôi rất xúc động và nghĩ mình phải làm điều gì đó có ích cho người dân”.

Mô hình nền đường ngập lũ
Mô hình nền đường ngập lũ.

Từ suy nghĩ đó, thầy Chiêu đã vận dụng chuyên môn, nghiệp vụ của mình thiết kế, giám sát, thi công những chiếc cầu, những con đường đảm bảo chất lượng, đảm bảo cho việc đi lại của người dân được thuận tiện.

Cũng theo Tiến sĩ Chiêu, học vị mới sẽ giúp ích nhiều cho công việc hiện tại cũng như theo đuổi công việc nghiên cứu, giảng dạy sau này. Thầy lấy bằng Tiến sĩ không phải để làm quản lý mà vì đam mê nghiên cứu, muốn đóng góp cho khoa học, phục vụ cho con người là chính.


P. MAI









 

.
.
.