Năm học mới - Nỗi lo cũ
Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh niềm vui trở lại trường học của con trẻ là những nỗi lo không tên của các bậc phụ huynh.Câu chuyện về quần áo, tập vở cùng các khoản thu đầu năm học … vẫn là vấn đề “nóng” của các bậc phụ huynh.
TẤT BẬT CHUYỆN MUA SẮM
Sau gần 3 tháng nghỉ hè, các em học sinh sẽ quay lại trường để học tập, rèn luyện. Do đó, thời điểm hiện nay, các bậc phụ huynh đang tất bật chuẩn bị cho con kịp ngày khai trường, với hàng loạt khoản chi mua sắm đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập cho đến các khoản thu, đóng góp của nhà trường. Đối với các gia đình khá giả thì việc chuẩn bị cho con vào đầu năm học mới là điều khá dễ dàng, nhưng đối với các gia đình lao động nghèo thì là cả một vấn đề, với nhiều nỗi lo.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường 6, TP. Mỹ Tho) cho biết, trong năm học mới này, chị có đứa con gái vào lớp 6 và đứa con trai vào lớp 2. Do biết được các chi phí đầu năm học của các con từ 6 - 7 triệu đồng nên ngay từ khi nghỉ hè, vợ chồng chị chi tiêu hết sức tiết kiệm, để dành tiền mua tập, sách giáo khoa, đồng phục học sinh... cho các con. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân ít ỏi của vợ chồng chị thì cũng mới sắm sửa đầy đủ cho đứa con gái bước vào năm học mới. Còn đứa con trai thì phải chờ vợ chồng chị “cày” thêm để có tiền, chuẩn bị cho con năm học mới được tươm tất hơn.
Đối với chị Nguyễn Thị Mỹ (phường 8, TP. Mỹ Tho) thì có nhiều thứ phải lo cho đứa con gái sắp bước vào lớp 12. “Ngoài tập, sách giáo khoa, đồng phục thì tiền học thêm, mua bảo hiểm, cơ sở vật chất… cũng tầm hơn 5 triệu đồng nên cả 2 tháng qua, dù trời mưa hay nắng tôi cũng cố gắng buôn bán, không dám nghỉ để có tiền lo cho con vào năm học mới” - chị Mỹ cho biết.
Để tiết kiệm chi phí cho đầu năm học, không ít gia đình đã tính đến việc cho con sử dụng lại đồ dùng học tập, đồng phục... của năm học trước nhằm tiết giảm các khoản chi phí. Đơn cử như trường hợp của chị Kim Phương (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) có 4 đứa con đang đi học. Do đó, cứ vào mỗi năm học mới, chị Phượng đều cho các con nhỏ sử dụng lại sách, quần áo cũ… của các anh, chị nhằm tiết kiệm các khoản chi tiêu. Đây còn là giải pháp tiết kiệm chi phí đầu năm học mới của không ít phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn, bởi các khoản chi phí cho năm học mới của con cái với họ luôn là những nỗi lo và gánh nặng.
VÀ LO VỚI CÁC KHOẢN THU
Đến hẹn lại lên, năm học mới lại làm cho nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng với các khoản thu của nhà trường. Mặc dù thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhưng vẫn xảy ra các trường hợp lạm thu “núp bóng” dưới danh nghĩa là các khoản đóng góp. Chị N.N.T., một phụ huynh ở phường 3, TP. Mỹ Tho cho biết: “Phụ huynh sợ nhất vẫn là chuyện họp phụ huynh đầu năm học.
Bởi sau cuộc họp nghe trường kêu gọi đóng góp, thì phụ huynh dù không muốn quyên góp cũng không được, vì trường đều có chuẩn bị sổ ký tên như một sự bắt buộc. Phụ huynh chỉ biết đóng học phí và một số khoản thu khác theo đúng quy định, chứ có biết ngành GD-ĐT quy định sẽ thu những khoản nào. Do đó, phụ huynh rất cần các trường công khai, minh bạch các khoản thu”.
Trước tình trạng lạm thu xảy ra ở nhiều đơn vị trường học, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu nhằm tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà phụ huynh. Riêng tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, ngành GD-ĐT của tỉnh đã chỉ đạo sâu sát và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Trong mỗi đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đều tổ chức các cuộc họp với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh để có những chỉ đạo, thông báo về các khoản thu theo đúng quy định.
Trong mỗi đầu năm học, Hội Khuyến học tỉnh sẽ kết hợp với ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiến hành rà soát, lên danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Với sự cộng đồng trách nhiệm, thời gian qua, có hàng trăm suất học bổng, hàng nghìn quyển tập, nhiều “Mái ấm khuyến học” đã được trao tặng cho học sinh nghèo. Đặc biệt, dự kiến trong tháng 8-2019, Sở GD-ĐT, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cùng Hội Khuyến học tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật, mồ côi đến trường” nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh kém may mắn được đến trường. CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH ĐỒNG THỊ BẠCH TUYẾT |
ĐỖ PHI