Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Được tổ chức 2 năm một lần, Hội giảng nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Hội giảng) và Hội thi thiết bị đào tạo tự làm (gọi tắt là Hội thi) không chỉ là sân chơi bổ ích cho giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh, mà còn là cơ hội để giáo viên trau dồi trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Một trong những tiết dạy tại Hội giảng. |
Đối với Hội giảng năm nay, khi tham gia, giáo viên phải soạn 3 bài giảng gửi Ban Tổ chức và bốc thăm chọn 1 bài để trình giảng. Trong đó, giáo viên dạy kỹ thuật phải soạn 3 thể loại: Lý thuyết, thực hành và tích hợp; giáo viên dạy các môn văn hóa và môn học chung chỉ soạn các bài lý thuyết.
Bên cạnh đó, Hội thi năm nay cũng đã thu hút 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký, với 45 giáo viên tham gia và 37 thiết bị đào tạo tự làm của 54 giáo viên. Các thiết bị dự thi đều do giáo viên tự sáng chế không vi phạm bản quyền tác giả và sở hữu công nghiệp.
CƠ HỘI CHO GIÁO VIÊN SÁNG TẠO
Cô Đinh Thị Kim Oanh, giáo viên bộ môn May thời trang, Khoa Kinh tế tổng hợp, Trường Cao đẳng Tiền Giang cho biết, đây là lần thứ 2 cô tham gia Hội thi với bài giảng “May lưng viền trên váy”. Đây là bài giảng được ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải Nhất tại Hội thi.
Theo cô Oanh, đăng ký tham gia Hội thi ngoài mục đích để thử thách bản thân, thì cô còn muốn truyền cảm hứng và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
“Kinh nghiệm quý báu mà tôi đúc kết được qua việc tham gia Hội thi là giáo viên không nên giảng dạy sinh viên những bài giảng đi theo lối mòn cũ, sẽ rất dễ gây nhàm chán, mà phải biết cách sáng tạo trong từng giờ dạy để sinh viên có thể chủ động tiếp thu bài một cách nhanh nhất” - cô Oanh chia sẻ.
Thấy sinh viên phải đi thực tập tại các công ty ô tô chưa tiếp cận công nghệ và còn khá bỡ ngỡ nên thầy Nguyễn Anh Hùng, giáo viên Khoa Điện, điện tử Trường Cao đẳng Tiền Giang đã suy nghĩ và sáng tạo ra mô hình “Điều khiển và giám sát tốc độ động cơ không đồng bộ 3 pha”.
Với mô hình này có thể giúp sinh viên thực hành bằng công nghệ mới tốt hơn, tất cả đều được tự động hóa. Khi tham gia Hội thi, thiết bị của thầy Hùng đã được ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải Nhất tại Hội thi.
GÓP PHẦN TẠO CHUYỂN BIẾN TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ
Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Phước Tân cho biết, các bài giảng tham gia Hội giảng được lựa chọn từ các nghề tiêu biểu trong tỉnh, sát với thực tế và đáp ứng được công nghệ mới.
Theo nhận xét từ Ban Giám khảo Hội giảng, chất lượng các bài giảng năm nay có sự vượt trội, đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng so với những kỳ Hội giảng trước.
Nhiều bài giảng cuốn hút học sinh, sinh viên bởi có sự đầu tư từ các thiết bị tự làm sinh động, trực quan kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin gây hứng thú cho người học…
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội giảng và Hội thi, điểm nổi bật của các bài giảng, các thiết bị đào tạo tự làm ở Hội giảng và Hội thi năm nay mang tính ứng dụng thực tế cao, tiếp cận được với công nghệ mới, không theo lối mòn cũ.
Đa phần các bài giảng được giáo viên lựa chọn chủ đề phù hợp; đồng thời, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống và một số phương pháp dạy học tích cực, làm cho bài giảng sinh động, tạo hứng thú cũng như phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của người học.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Minh Trí, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với 567 giáo viên, chủ yếu giáo viên tập trung tại 8 trường có đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.
Thông qua Hội giảng và Hội thi năm nay cho thấy, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rõ nét. Đây được xem là tín hiệu vui cho những cố gắng nỗ lực nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp của ngành LĐ-TB&XH cũng như các trường đào tạo nghề của tỉnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy nghề của tỉnh cũng đã có những phát triển về trình độ tay nghề, ứng dụng linh hoạt công nghệ trong giảng dạy, phối hợp nhịp nhàng giữa lý thiết và thực hành từ các trang thiết bị giảng dạy.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phạm Minh Trí cho rằng, không thể chỉ dừng lại ở việc tổ chức Hội giảng và Hội thi, mà trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề; đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề ở các trường.
Riêng đối với các trường cũng cần duy trì, thường xuyên tổ chức các Hội giảng, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới…
ĐỖ PHI