.

Nỗ lực, sẵn sàng cho năm học mới

Cập nhật: 08:48, 13/08/2019 (GMT+7)

Vào thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất và thực hiện đảm bảo nguồn giáo viên cho năm học mới 2019 - 2020.

KHẨN TRƯƠNG CHUẨN BỊ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Cơ sở vật chất là một trong những điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp giáo dục. Do đó, hằng năm, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, ngành GD-ĐT tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất. Theo đó, năm học 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường học được đầu tư xây dựng khang trang, quy mô nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn khẩn trương lau chùi bàn ghế chuẩn bị năm học mới.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn khẩn trương lau chùi bàn ghế chuẩn bị năm học mới.

Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục, ngân sách thành phố, TP. Mỹ Tho đã tiến hành sửa chữa trường lớp, sân trường... với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Nhiều trường được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng trong năm học mới này như: Trường Mầm non Vườn Trẻ (8,612 tỷ đồng); Trường Tiểu học Đạo Thạnh A (5,518 tỷ đồng); Trường THCS Lê Ngọc Hân (3,268 tỷ đồng)… Đặc biệt, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn được tỉnh đầu tư ngân sách sửa chữa khang trang với kinh phí lên đến 13 tỷ đồng. Trường hiện có 37 phòng học, 16 phòng chức năng, 4 phòng bộ môn, đáp ứng nhu cầu học tập của 1.820 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Hơn 280 ngàn học sinh của tỉnh tựu trường

Sáng nay (12-8), hơn 280 ngàn học sinh của tỉnh đã chính thức tựu trường năm học 2019 - 2020. Riêng bậc học mầm non sẽ tựu trường vào ngày 19-8. Trong tuần lễ đầu tiên, học sinh ở các cấp học sẽ được gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm, ổn định nền nếp, vệ sinh trường, lớp, học tập nội quy… Theo quy định, chương trình học kỳ I dành cho bậc học phổ thông sẽ bắt đầu từ ngày 19-8.

Toàn tỉnh hiện có 186 trường mầm non, 215 trường tiểu học, 124 trường THCS và 38 trường THPT. Năm học 2019 - 2020, ngành GD-ĐT tỉnh có 17.486 cán bộ, giáo viên.

Trên địa bàn huyện Cái Bè hiện có 28 trường mầm non, 28 trường tiểu học và 23 trường THCS do Phòng GD-ĐT huyện quản lý. Để đảm bảo trường lớp cho năm học 2019 - 2020, bằng nguồn ngân sách của ngành GD-ĐT, huyện Cái Bè đã tiến hành đầu tư sửa chữa các hạng mục như: Xây dựng hàng rào, sân trường, sơn sửa trường lớp… tại 40 trường học, với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện không ngừng đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia nhằm nâng cao công tác giảng dạy và thực hiện hoàn thành Tiêu chí số 5 về trường học trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, số lượng trường đạt chuẩn Quốc gia của huyện cũng còn khá khiêm tốn. Toàn huyện hiện có 8 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 7 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Theo kế hoạch năm 2019, huyện Cài Bè sẽ đầu tư xây dựng 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh những thuận lợi thì huyện Cái Bè cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất trong đầu năm học mới. Theo đó, nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Bè như: Mầm non Hòa Khánh, Mầm non Thiện Trí, Mầm non Hậu Mỹ Phú... phải sử dụng cơ sở vật chất của các trường tiểu học cũ trước đây.

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học 2019 - 2020, TX. Cai Lậy đã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục để đầu tư sửa chữa, xây mới 42 phòng học, 21 nhà vệ sinh; đồng thời, thực hiện đầu tư, mua sắm bàn ghế, máy vi tính... với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Hiện toàn thị xã có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong năm 2019, ngành GD-ĐT TX. Cai Lậy sẽ đầu tư xây dựng 2 trường THCS gồm Mỹ Hạnh Đông, Trừ Văn Thố và Trường Mầm non Tân Hội đạt chuẩn Quốc gia. Cũng giống như các địa phương khác của tỉnh, trước thềm năm học mới 2019 - 2020, ngành GD-ĐT TX. Cai Lậy cũng đang đối mặt với một số khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu phòng học, thiếu phòng bộ môn, một số trường cơ sở vật chất xuống cấp... Do đó, hiện nay, Phòng GD-ĐT TX. Cai Lậy cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã lập báo cáo, xem xét ưu tiên đầu tư đối với những trường học khó khăn về cơ sở vật chất.

Theo Sở GD-ĐT, để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia; tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến năm 2020...

ĐẢM BẢO NGUỒN GIÁO VIÊN

Mặc dù ngành GD-ĐT tỉnh đã xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ nhưng hiện tình trạng thiếu giáo viên nhất là giáo viên bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn còn.  Theo đó, toàn tỉnh thiếu 898 giáo viên mầm non (GVMN), trong đó huyện Cái Bè thiếu 198 giáo viên, kế đến là huyện Châu Thành thiếu 115 giáo viên, huyện Cai Lậy thiếu 114 giáo viên; TX. Cai Lậy thiếu 90 giáo viên; huyện Tân Phước thiếu 44 giáo viên…

Tình trạng thiếu GVMN những năm gần đây không là vấn đề riêng của tỉnh Tiền Giang, mà đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bởi thực tế trong những năm qua, số lượng trẻ sinh ra của cả nước cũng như của tỉnh ngày càng đông, trong khi số lượng GVMN không tăng nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học này. Ở một khía cạnh khác cũng cần phải quan tâm, đó là do tính chất công việc của GVMN khá vất vả nhưng chế độ ưu đãi thấp nên rất khó thu hút hay giữ chân GVMN và đã có không ít GVMN bỏ nghề.

Trưởng Phòng GD- ĐT TX. Cai Lậy Đoàn Thị Thủ cho biết, việc tuyển dụng GVMN thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có năm học phòng đã tuyển được nguồn GVMN nhưng do đường đến trường xa xôi cùng với áp lực công việc nên nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Trong năm học 2019 - 2020, toàn thị xã có 385 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.200 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Thị xã hiện có nhu cầu tuyển 38 GVMN. Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu GVMN ở các trường học, Phòng GD-ĐT thị xã chỉ đạo các trường mầm non có tổ chức lớp bán trú hay thiếu giáo viên tiến hành hợp đồng thêm bảo mẫu, cấp dưỡng nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

Theo Sở GD-ĐT, từ năm 2013 đến 2019, Sở đã liên kết với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo trên 800 GVMN trình độ cao đẳng để tạo nguồn GVMN cho các địa phương của tỉnh. Thực hiện việc liên kết này, năm học 2019 - 2020, Trường Đại học Tiền Giang tiếp tục tuyển khoảng 150 sinh viên để đào tạo GVMN trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh còn đưa ra giải pháp là các trường nầm non tự hợp đồng giáo viên để chờ ngày thi tuyển…

Đ.PHI

.
.
.