Chuyện vượt khó đến trường của thầy giáo trẻ
Gần 3 năm trước, một tai nạn bất ngờ ập đến đã làm cho thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy) từ một con người bình thường trở thành tật nguyền.
Tuy nhiên, với ý chí, tinh thần lạc quan cùng sự nỗ lực mạnh mẽ của bản thân đã giúp thầy Thuận vượt qua khó khăn, trở lại với mái trường thân yêu trên chiếc xe lăn điện để tiếp tục gắn bó với nghề. Tấm gương của thầy Thuận đã viết nên câu chuyện về nghị lực sống mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.
Thầy Thuận trong một giờ lên lớp sau tai nạn. |
Sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử - Địa lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (nay là Trường Đại học Tiền Giang), năm 2001, thầy Thuận được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Tam Bình, ngôi trường mà thầy đã từng học.
Được trở về trường xưa, trở thành đồng nghiệp của nhiều thế hệ thầy cô mà mình đã từng yêu kính, đó là động lực để thầy Thuận gắn bó với nghề, cống hiến đào tạo các thế hệ học trò trở thành người có ích cho xã hội. Kết quả từ những nỗ lực, phấn đấu của thầy Thuận là nhiều năm liền thầy đã bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh ở 2 môn Lịch sử và Địa lý.
Bản thân thầy 4 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 1 lần là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (môn Lịch sử). Ngoài giảng dạy, thầy còn tích cực tham gia công tác Đoàn và các phong trào khác do nhà trường tổ chức.
Khi tương lai đang rộng mở thì cũng là lúc tai nạn bất ngờ ập đến làm thầy Thuận trở thành người tật nguyền. Đó là vào một buổi trưa ngày 12-5-2016, chỉ vì muốn giúp một người hàng xóm mé mấy nhánh cây trước nhà mà thầy Thuận bị điện giật, rơi từ độ cao khoảng 6 m xuống đất, va chạm với mép đường dal bên dưới làm gãy 2 đốt sống lưng (L1, L2), giập tủy và liệt dây thần kinh tủy sống.
Sau 6 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, sức khỏe của thầy Thuận dần hồi phục nhưng di chứng nặng nề sau tai nạn là thầy bị liệt 2 chân và phải chấp nhận ngồi xe lăn vĩnh viễn. Vì không thể còn tự đứng trên đôi chân của mình nên nhiều lúc thầy Thuận rất mặc cảm, tự ti.
Thế nhưng, khi nghĩ đến sự quan tâm, lo lắng của gia đình, người thân, đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh, thầy Thuận tự nhủ, phải vượt qua bệnh tật, tiếp tục sống, thích ứng với hoàn cảnh, quyết tâm trở lại với trường lớp để gắn bó với nghề dạy học…
Chính vì thế mà trong những tháng ngày nằm trên giường bệnh, không biết bao lần thầy Thuận đã gắng gượng đứng lên, rồi lại ngã xuống. Biết bao đớn đau từ thể xác đến tinh thần nhưng thầy vẫn quyết tâm vượt qua. “Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể trở lại trường, được gặp lại đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu” - thầy Thuận chia sẻ.
Thầy Đỗ Văn Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình cho biết, thầy Thuận là một giáo viên dạy giỏi, có trách nhiệm và rất nhiệt tình với trường lớp. Để đáp ứng nguyện vọng của thầy Thuận muốn đi dạy lại sau 1 năm xin nghỉ dưỡng bệnh, Ban Giám hiệu nhà trường đã bố trí một phòng dạy cố định, phân công thầy dạy mỗi tuần 8 tiết và kiêm nhiệm thêm công tác văn phòng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện đi lại, sức khỏe của thầy trên cơ sở vận dụng Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với trường loại 1.
Trong năm học 2018 - 2019, thầy Thuận lại tiếp tục được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả là có 3/5 học sinh được thầy bồi dượng đạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, trong năm 2018, qua giới thiệu của Liên đoàn Lao động huyện Cai Lậy, thầy Thuận được Chương trình “Biệt đội phấn trắng” (HTV9) thực hiện phóng sự về tấm gương vượt khó và được một số nhà tài trợ hỗ trợ tiền mặt, hiện vật động viên thầy vượt qua khó khăn tiếp tục gắn bó với nghề.
HUỲNH VĂN XĨ