Nâng chất bữa ăn cho trẻ mầm non
Giáo dục mầm non được xem là một những bước ngoặt quan trọng đầu đời của trẻ. Song song với việc đổi mới các hình thức hoạt động ở trường mầm non thì việc tổ chức bữa ăn đảm bảo chất lượng cho trẻ cũng như giáo dục hình thành những kỹ năng tự phục vụ và văn hóa ăn uống cho trẻ là rất cần thiết.
Do đó, Chuyên đề “Đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ trong trường mầm non” được triển khai gần đây đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp các trường đổi mới trong việc tổ chức cũng như nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Trẻ hào hứng tham gia bữa ăn buffet tại Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm. |
Theo đó, Trường Mầm non Bông Sen (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) vừa tổ chức bữa ăn sáng buffet ngoài sân trường cho học sinh khối lớp lá. Việc nhà trường đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ theo hình thức tự chọn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía phụ huynh.
Tại đây, các trẻ khối lớp lá của trường được ăn sáng bằng hình thức tự chọn, với rất nhiều món ngon mà các bé yêu thích.
Theo đánh giá của nhà trường, hoạt động này đã giúp trẻ tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức bữa ăn như: Trẻ tự sắp xếp bàn ăn, trưng bày các món ăn và có bữa ăn sáng hào hứng.
Bên cạnh đó, hoạt động này còn có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của trẻ về thực phẩm và các món ăn mà trẻ yêu thích; đồng thời, hình thành các kỹ năng, phép lịch sự trong ăn uống.
Chuyên đề “Đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ” được chia làm 2 mảng nội dung lớn gồm: Nâng cao chất lượng bữa ăn và đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ. Mục đích của chuyên đề là thay đổi nhận thức của giáo viên trong tổ chức bữa ăn cho trẻ sao cho thân thiện, lành mạnh, an toàn, hợp vệ sinh, đặc biệt là nâng cao kỹ năng tự phục vụ ở trẻ và giáo dục văn hóa ăn uống cho trẻ. Do đó, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ thật phong phú, đa dạng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TIỂU HỌC - MẦM NON |
Còn Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm (TP. Mỹ Tho) đã tổ chức bữa ăn sáng theo hình thức tự chọn cho học sinh khối lớp chồi và lá tại trường. Theo đó, học sinh khối lớp lá được ăn sáng theo hình thức tự chọn vào thứ 6 hằng tuần và khối lớp chồi được ăn sáng tự chọn theo hình thức buffet 2 tuần/lần.
Thực đơn các bữa ăn đều có nhiều món ăn ngon và phù hợp với khẩu vị của các bé, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Cô Hồ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm cho biết: “Các nhân viên nhà bếp và cô giáo đều chuẩn bị các món ăn thật cẩn thận và kỹ lưỡng từ khâu dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn đến khâu bày trí sao thật hấp dẫn, bắt mắt. Các bé sẽ tự chọn món ăn và dùng kẹp để lấy thức ăn nhằm đảm bảo vệ sinh, giáo dục trẻ nâng cao ý thức lịch sự trong ăn uống như: Không vừa nói vừa ăn, biết lấy thức ăn vừa đủ, không bỏ thừa thức ăn trong các tiệc buffet… Đây là những kỹ năng mà trẻ có được từ việc sáng tạo trong tổ chức bữa ăn và tạo điều kiện cho trẻ tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Ban Giám hiệu nhà trường”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang, nhằm giúp trẻ có khả năng phát triển cả về trí lực và thể lực, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng theo quy định.
Năm học 2019 - 2020, tỉnh có 161 trường mầm non tổ chức bán trú với trên 47 ngàn trẻ, chất lượng các bữa ăn từng bước được nâng lên rõ rệt; có trên 90% trường sử dụng phần mềm tính khẩu phần ăn cho trẻ bán trú...
Các trường có tổ chức bán trú đều thực hiện đúng theo quy trình bếp 1 chiều, ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế khẩu phần ăn cân đối, đủ năng lượng.
Có thể thấy, việc đổi mới bữa ăn qua hình thức buffet, tự chọn không chỉ giúp trẻ hào hứng tham gia bữa ăn, mà còn rèn luyện được nhiều kỹ năng cho trẻ trong ăn uống.
Trong thời gian tới, các trường mầm non cần có nhiều hình thức phong phú trong việc đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
ĐỖ PHI