Thứ Sáu, 01/11/2019, 10:00 (GMT+7)
.
Thực hiện Di chúc của Bác đạt nhiều thành tựu to lớn:

Loại trừ giặc dốt, tiến đến nâng cao dân trí

Bài 1: Từ xóa khó đến giảm nghèo bền vững

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xem trọng công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Người đã chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Trường lớp được xây dựng khang trang, không còn trường tạm  và trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường lớp được xây dựng khang trang, không còn trường tạm và trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: DS

ĐẦU TƯ LỚN CHO GIÁO DỤC

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ, đã đề nghị một trong những công việc khẩn cấp lúc bấy giờ là “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ.

Bác cũng đã chỉ dẫn về “sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh của nhân dân”, như học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực hành…

Sau ngày đất nước thống nhất, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Đầu tư cho giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh xuyên suốt mấy mươi năm qua.

Đầu tư cho giáo dục bắt đầu từ việc cải thiện cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh được học hành trong điều kiện tốt hơn. Những mái trường tre lá tạm bợ, xiêu vẹo ngày nào dần được thay bằng những ngôi trường khang trang, tiện nghi; những lớp học 3 ca không còn nữa.

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Tiền Giang, vào thời điểm tháng 10-1975, toàn tỉnh có 199 trường cấp I (nay là bậc tiểu học), hiện có 215 trường tiểu học, trong đó có 144 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và học sinh có đủ phòng để học 2 buổi/ngày.

Hệ thống giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 565 trường, trong đó gần 50% trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Văn Hiếu cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện 4 nội dung chính:

Thứ nhất, củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 và Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020. Tăng cường củng cố hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ.

Thứ ba, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực của ngành đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ tư, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng mục tiêu nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020; thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Cùng với đó, việc đầu tư nguồn nhân lực cho ngành GD-ĐT cũng được tỉnh quan tâm. Hiện tại, giáo viên của tỉnh đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành GD-ĐT đã không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

DÂN TRÍ NGÀY CÀNG CAO

Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh đối mặt với tình trạng mặt bằng dân trí thấp, với trên 30% dân mù chữ. Cùng với hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho người dân. Đến ngày 3-2-1977, Tiền Giang long trọng làm lễ công bố đã xóa nạn mù chữ cho 132.500 người (đạt tỷ lệ 96,4%).

Tiếp tục đầu tư nhiều giải pháp phát triển giáo dục. Cụ thể, năm 1996, tỉnh được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học.

Đến tháng 12-2004, tỉnh tiếp tục được công nhận là tỉnh thứ 20 của cả nước đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

Phát huy thành tựu đạt được, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đến tháng 12-2006 đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Hiện nay Tiền Giang không còn người trong độ tuổi từ 15 - 35 không biết chữ.

Quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đến lớp, lãnh đạo tỉnh đã không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo ngành GD-ĐT tỉnh nhà từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng chuẩn hóa, hiện đại.

Từ đó nâng cao chất lượng dạy học, đào tạo nhiều thế hệ có năng lực, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho đất nước.

Chất lượng giáo dục của tỉnh nhà từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh năm học sau tốt hơn năm học trước và học sinh Tiền Giang liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Chỉ tính trong năm học 2018 - 2019, Tiền Giang có 8 học sinh giỏi cấp quốc gia và 336 học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đạt 96,29%.

THỦY HÀ (Còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.