Ươm mầm khởi nghiệp trong sinh viên
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm luôn được Trường Đại học Tiền Giang quan tâm thực hiện, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường.
Trong đó, nổi bật có Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” qua 7 lần tổ chức đã tạo sức lan tỏa, phát huy tính sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của sinh viên.
Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang với các đề tài, dự án tham gia Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm 2019. |
Theo anh Lê Tiến Dũng, Bí thư Đoàn trường Đại học Tiền Giang, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 với tên gọi “Khởi nghiệp cùng sinh viên” do khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức ở quy mô cấp khoa.
Chính từ những hiệu quả của cuộc thi mang lại mà nhà trường đã phát triển nâng tầm cuộc thi lên quy mô cấp trường, với sự tham gia ngày càng đông đảo của sinh viên trường.
“Mục đích của cuộc thi là tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp thành đạt trong và ngoài tỉnh; đồng thời, biểu dương, phát triển ứng dụng thực tế những mô hình, dự án khởi nghiệp thành công, có tính khả thi cao” - anh Dũng cho biết.
Tiếp nối thành công của những lần tổ chức trước, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm 2019 do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức tiếp tục thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên nhà trường với 20 dự án khởi nghiệp dự thi.
Trải qua 2 vòng thi, Ban Tổ chức đã chọn 5 dự án xuất sắc nhất vào Vòng chung kết cuộc thi với các đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Sản xuất chế phẩm sinh học; dịch vụ đi chợ nhanh; sản xuất mộng dừa sấy dẻo; chăm sóc thú cưng; du lịch sinh thái…
Tại Vòng chung kết cuộc thi, các sinh viên đã mang đến những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường được Ban Giám khảo đánh giá cao.
Điển hình như Dự án “Sản xuất mộng dừa sấy dẻo” được các bạn sinh viên tận dụng nguồn lợi phẩm là mộng dừa từ trái dừa khô để sấy dẻo, tạo thành sản phẩm mộng dừa sấy dẻo, giúp kéo dài thời gian bảo quản mà thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm vẫn được giữ nguyên.
Mộng dừa sấy dẻo là sản phẩm mới có khả năng cung ứng ra thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế. Với tính khả thi, ứng dụng cao vào thực tế, Dự án “Sản xuất mộng dừa sấy dẻo” xuất sắc đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi.
Kế đến, Dự án “Dịch vụ đi chợ nhanh Food Viet”, dự án đoạt giải Nhất tại cuộc thi cũng được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng thực tế nhất là hỗ trợ chị em phụ nữ mua sắm hàng hóa mà không phải tốn nhiều thời gian.
Theo anh Lê Tiến Dũng, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức hằng năm đã thực sự trở thành sân chơi hữu ích, gắn kết giữa kiến thức chuyên môn và thực tế, tạo môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh cho sinh viên của trường.
Đây cũng là hoạt động điển hình cho phong trào học đi đôi với hành, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về lập dự án kinh doanh, phát huy năng lực sáng tạo, đổi mới, tinh thần dám nghĩ dám làm, nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, tạo tiền đề cho sinh viên lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường.
“Trong thời gian tới, Đoàn trường Đại học Tiền Giang sẽ tranh thủ các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn để kết nối với các nguồn vốn, các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ vốn cho sinh viên khởi nghiệp” - anh Dũng cho biết.
Đ.PHI