Thứ Sáu, 27/12/2019, 14:48 (GMT+7)
.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Kết nối doanh nghiệp, tạo việc làm cho sinh viên

Nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… là những hoạt động trọng tâm được Trường Đại học Tiền Giang chú trọng thực hiện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế.

Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong giờ thực hành.

PGS.TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, nhà trường vừa tổ chức buổi Tọa đàm “Nhà trường cùng doanh nghiệp - đồng hành và phát triển”, với mong muốn lắng nghe ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp. Qua đó, nhằm tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong việc giải quyết bài toán cung cầu về nhân lực cũng như việc làm cho sinh viên khi ra trường; đồng thời, có những đổi mới trong chương trình đào tạo để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Theo đó, tại buổi tọa đàm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong những năm gần đây. Theo các doanh nghiệp, điều quan tâm nhất khi thực hiện công tác tuyển dụng nhân sự hiện nay là không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà phải thông thạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Qua thực tế trong những năm gần đây, sinh viên của Trường Đại học Tiền Giang đã dần đáp ứng khá tốt những yêu cầu mà doanh nghiệp đòi hỏi khi tuyển dụng. Nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng thể hiện tốt năng lực, trình độ, có tinh thần cầu tiến, siêng năng trong công việc.

Do đó, không ít sinh viên của trường đã được các cơ quan, doanh nghiệp trọng dụng, bổ nhiệm ở nhiều chức vụ cao. Theo các doanh nghiệp, so với khoảng 10 năm về trước, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang đã có sự vượt bậc, chương trình đào tạo của nhà trường được kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, uy tín đào tạo không ngừng nâng lên và có nhiều cải tiến phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc VNPT Tiền Giang, thời gian qua đơn vị đã tuyển dụng nhiều sinh viên xuất sắc, giỏi của nhà trường vào làm việc. Nhìn chung, các sinh viên đều tiếp cận tốt với công việc, có sự nhạy bén trong giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng cần tìm hiểu, học hỏi những cái mới của các trường đại học khác để có thể áp dụng vào công tác đào tạo của nhà trường nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế. Điều này cũng sẽ giúp sinh viên của trường dễ tìm việc làm hơn khi ra trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh Lâm Thúy Ái cho biết, bà rất muốn tạo điều kiện cho sinh viên Tiền Giang, đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Tiền Giang được làm việc tại công ty của mình. Tuy nhiên, điều mà bà trăn trở hiện nay là các bạn sinh viên ngại đi xa, không muốn tìm hiểu cái mới, chủ yếu là muốn làm việc vòng quanh trong tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay sinh viên của trường có vốn Tiếng Anh khá yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như xu thế hội nhập. Do đó, bên cạnh nỗ lực giảng dạy của thầy cô, thì sinh viên nhà trường cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nhân sự,  bà Lê Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Tiền Giang cho rằng: “Một sinh viên có điểm tốt nghiệp cao chưa chắc làm việc tốt bằng một sinh viên có điểm số thấp hơn. Do đó, tất cả sinh viên của Trường Đại học Tiền Giang hãy tự tin, cố gắng phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Các bạn có thể tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, thậm chí là đi làm thêm để có thể tích lũy vốn sống, kinh nghiệm… Có hoạt động trải nghiệm thì sinh viên mới thực hành tốt các kỹ năng và rất có ích trong quá trình làm việc sau này. Đặc biệt sinh viên cần phải trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, một đòi hỏi thực tế trong xu thế hội nhập hiện nay mà hầu hết sinh viên cũng như các bạn trẻ đang gặp khó.

Có thể thấy, trong những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên như: Xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế của xã hội; hỗ trợ sinh viên thực hành thực tập;  tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường…

Tiến sĩ Dương Văn Hiếu, Trưởng khoa Công nghệ thông tin cho biết, việc gắn kết doanh nghiệp phải bắt đầu ngay chính việc mời doanh nghiệp góp ý chương trình đào tạo cho đến các chương trình thực tập và cả việc làm khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Có như vậy nhà trường mới có thể trả lời được câu hỏi nhà tuyển dụng muốn gì, cần gì để có những hoạch định, kế hoạch đào tạo sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường.  

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.