Thứ Hai, 17/02/2020, 20:38 (GMT+7)
.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang: Chủ động, sáng tạo và kịp thời

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (thứ hai từ trái sang) thăm và làm việc tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.                                                                                                                                     Ảnh: PHI CÔNG
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (thứ hai từ trái sang) thăm và làm việc tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho. Ảnh: PHI CÔNG

Sáng 15-2, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, đến thăm và làm việc với ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) và công tác ứng phó dịch bệnh Covid-19. Qua 1 ngày làm việc, Đoàn đánh giá: Tiền Giang đã thực hiện rất tốt, nhuần nhuyễn, sáng tạo Nghị quyết 88 và đã chủ động, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn ngành GD-ĐT.

GIÁO VIÊN LÀ TÂM ĐIỂM ĐỔI MỚI

Báo cáo với Đoàn công tác, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã hiểu rõ mục tiêu, nội dung, tính đúng đắn mà tinh thần của Nghị quyết đề ra, tạo được sự đồng lòng, ủng hộ rất cao của dư luận trong toàn xã hội.

Ngành GD-ĐT Tiền Giang cũng đã tích cực tham gia góp ý dự thảo chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa ở cơ sở GDPT và đã tập trung nâng cao, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai tốt chương trình GDPT mới.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Tiền Giang.

Theo thống kê, toàn ngành có 18.529 cán bộ, giáo viên. Riêng ở bậc học tiểu học, có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 83,3%. Đặc biệt, để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, trong năm học vừa qua, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng.

Riêng ở bậc tiểu học, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở các huyện, thành, thị đạt trên 89%; trên 79% trường tiểu học có đầy đủ các phòng chức năng. Toàn tỉnh có 133/189 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,4%.

Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức 113 lớp bồi dưỡng đại trà cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên bậc tiểu học về chương trình GDPT mới và tổ chức 2 hội thảo giới thiệu chi tiết nội dung 5 bộ sách lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT thẩm định cho hiệu trưởng các trường tiểu học trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành GD-ĐT Tiền Giang cũng đã gặp không ít khó khăn: Hiện vẫn còn một vài địa phương cơ sở vật chất xuống cấp, tỷ lệ phòng học 2 buổi/ngày còn khá thấp; toàn tỉnh có 2 trường sáp nhập bậc học mầm non - tiểu học, 7 trường sáp nhập bậc học tiểu học - trung học cơ sở, gây rất nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại Trường Tiểu học  Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc triển khai Nghị quyết 88 đã được tỉnh Tiền Giang thực hiện nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm, thậm chí có nhiều hoạt động đi trước lộ trình, tạo ra tâm thế sẵn sàng, quyết  tâm trong đội ngũ giáo viên, tất cả vì sự thành công của phương pháp đổi mới GDPT. Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới lần này không phải là đổi mới về nội dung, mà được kế thừa những lần trước, đổi mới về phương pháp là chính.

Chính vì vậy, có chuyện một chương trình mà nhiều bộ sách giáo khoa. Cũng chính vì thế, đòi hỏi sự quyết liệt vào cuộc của giáo viên, là tâm điểm của chương trình đổi mới. Toàn ngành phải làm sao đả thông tư tưởng cho các giáo viên, để giáo viên có tâm thế thật sự vững vàng, tạo được lòng tin nơi phụ huynh, có như vậy thì xã hội mới an tâm vào giáo dục.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý về việc lựa chọn sách giáo khoa.

 Phát biểu tại buổi làm việc vào chiều 15-2 với Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, có sự tham gia của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết, Tiền Giang đã sẵn sàng cho tâm thế đổi mới và sẽ triển khai một cách tốt nhất chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ được ngành xác định là quan trọng trong thời gian này là sẽ chủ động mọi biện pháp tốt nhất để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 một cách tốt nhất trên tinh thần đặt sức khỏe, lợi ích của cán bộ, giáo viên, học sinh lên hàng đầu.
 

Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có hướng dẫn, sở, phòng và các hiệu trưởng triển khai thật kỹ hướng dẫn này đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc về giáo viên, Hội đồng là trọng tài để minh bạch, khách quan trong việc lựa chọn bộ sách giáo khoa cho địa phương mình. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Tiền Giang cũng cần có chiến lược đẩy mạnh truyền thông về chương trình đổi mới lần này, cũng như truyền thông rộng rãi các tấm gương nhà giáo tận tâm, tận lực với công tác giáo dục, đặc biệt là trong quá trình đổi mới hiện nay.

KHÔNG ĐƯỢC LƠ LÀ, CHỦ QUAN VỚI DỊCH BỆNH COVID-19

Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trong thời gian học sinh nghỉ học kể từ ngày 3-2, các trường học trong tỉnh đã tổ chức vệ sinh trường lớp, tham gia các lớp tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên cách phòng, chống dịch; toàn bộ 632 điểm trường của 535 trường trong toàn ngành đã được phun xịt thuốc khử trùng, sát khuẩn; cán bộ, giáo viên ở các trường luân phiên trực trong quá trình tạm nghỉ để nắm bắt thông tin về dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau khi kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Phú An 1 (huyện Cai Lậy) và Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân (TP. Mỹ Tho) về công tác phòng, chống bệnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh chủ động, kịp thời của ngành GD-ĐT Tiền Giang.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân Lê Thị Minh Thắm cho biết: “Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh được triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh qua email, điện thoại… Những ngày qua, nhà trường đã tích cực quét dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế…”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ vừa ký công văn đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ học đến cuối tháng 2 để tiếp tục công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở dĩ lãnh đạo Bộ có công văn này, bởi thực tế cho thấy, tình hình diễn biến của dịch bệnh hiện nay vẫn còn đang hết sức phức tạp, vì vậy cần lấy biện pháp phòng ngừa là chính; các sở GD-ĐT trong thời gian này tiếp tục cho các đơn vị trường học vệ sinh bàn ghế, phun thuốc tiệt trùng, theo dõi các thông tin về dịch bệnh; các địa phương cũng cần có thống nhất chung trong việc cho học sinh nghỉ học, tránh địa phương này nghỉ, địa phương khác lại cho học sinh đi học.

Bộ trưởng lưu ý, với tinh thần của toàn ngành Giáo dục là không được chủ quan, lơ là, cũng như không quá lo lắng, mong rằng toàn ngành Giáo dục sẽ có thống nhất cao về chủ trương cũng như kế hoạch trong việc phòng, chống dịch bệnh. Trên tinh thần chung, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo thống nhất lùi thời gian kết thúc năm học. Ngành GD-ĐT Tiền Giang cũng nên chuẩn bị tốt các điều kiện, phương án tốt nhất để có thể sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

ĐỖ PHI

.
.
.