Thứ Tư, 12/02/2020, 10:42 (GMT+7)
.
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG:

Sẵn sàng tâm thế cho việc đổi mới giáo dục

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 88 diện mạo GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 88 diện mạo GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, diện mạo giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc. Với điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 88 là toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021.

Có thể nói, tinh thần của Nghị quyết 88 là động lực quan trọng giúp toàn ngành GD-ĐT thể hiện quyết tâm cho công tác đổi mới. Nếu như trước đây, công tác GD-ĐT tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, thì giờ đây có thể tự tin với những thay đổi tích cực từng ngày.

ĐỘNG LỰC ĐỔI MỚI

Với quyết tâm đổi mới về giáo dục, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã thực hiện đổi mới căn bản trong dạy và học, áp dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực, tư duy. Đây là những tiền đề quan trọng để có thể triển khai tốt Chương trình GDPT mới.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, trong lần đổi mới sách giáo khoa lần này, Tiền Giang đã tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng từ Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh; huy động toàn bộ lực lượng để có thể làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị. Có thể nói, đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này được xem là động lực, bước ngoặt để giúp giáo dục tỉnh nhà có thể phát triển tầm cao hơn nữa.  

 

Có thể thấy tinh thần của Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của Tiền Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, Tiển Giang đã sẵn sàng tâm thế đổi mới và sẽ triển khai tốt Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 ngay từ những ngày đầu của năm học 2020 - 2021.

 
ĐỒNG CHÍ
NGUYỄN HỒNG OANH

Theo đánh giá của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, điểm mấu chốt quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết 88 là làm sao nâng cao nhận thức, nhất là ở bộ phận giáo viên để từ đó có sự thống nhất trong chỉ đạo của cấp trên và phát huy tốt sức mạnh của tập thể, tổ chuyên môn nhằm triển khai tốt vào thực tế. Qua thực tế cho thấy, Tiền Giang đã làm tốt những điều này, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 88. Ngay từ ban đầu triển khai, trong các cuộc tập huấn, họp cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT đã lồng ghép tuyên truyền và có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể ở từng đơn vị trong việc thực hiện. 

SẴN SÀNG CHO CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI

Có thể thấy, một trong những điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 88 là ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới ngay từ năm học 2020 - 2021.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Oanh, tính đến thời điểm này, nhìn lại quá trình chuẩn bị cho việc đổi mới sách giáo khoa, ngành GD-ĐT tỉnh nhà tập trung thực hiện một số việc như: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở vật chất, trường lớp; thống kê, kiểm tra lại đội ngũ giáo viên; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, để triển khai tốt Chương trình GDPT mới thì yếu tố con người là rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, đứng trước yêu cầu đổi mới, đội ngũ giáo viên trong toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ cũng như vững vàng kỹ năng sư phạm. Nhiều cán bộ, giáo viên trong ngành GD-ĐT được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn. Số lượng thiếu và thừa giáo viên cơ bản đã được khắc phục.

Thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó, có 18.529 giáo viên và 1.044 nhân viên. Riêng ở bậc học tiểu học, có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 83,3%.

Triển khai học trực tuyến giữa mùa dịch bệnh nCoV

Sáng 10-2, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với VNPT Tiền Giang tổ chức tập huấn cho giáo viên về phương pháp giảng dạy trực tuyến.

Theo đó, tại buổi tập huấn, giáo viên được trang bị các hình thức đưa bài giảng lên hệ thống, kiểm soát việc làm bài tập của học sinh, đánh giá học sinh, nhận phản hồi từ học sinh… Bước đầu, nhà trường tổ chức giảng dạy trực tuyến 4 môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, sau đó sẽ áp dụng các môn học còn lại.

Đây được xem là hình thức giảng dạy linh động trong thời điểm các trường học cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Nếu triển khai hiệu quả, nhà trường sẽ áp dụng hình thức này trong công tác ôn thi THPT Quốc gia sắp tới.

ĐỖ PHI

Những năm qua, cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành. So với hơn 10 năm trước, cơ sở vật chất trường lớp đã có sự thay đổi rõ rệt, với mạng lưới trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang.

Ngành GD-ĐT cũng đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 543 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; trong đó có 188 trường mầm non, 188 trường tiểu học, 5 trường tiểu học - THCS, 124 trường THCS, 5 trường THCS - THPT và 33 trường THPT. Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới, trong năm học vừa qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng.

Riêng ở bậc tiểu học, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở các huyện, thị, thành đạt trên 89%; trên 79% trường tiểu học có đầy đủ các phòng chức năng. Toàn tỉnh có 190/193 trường tiểu học, tiểu học - THCS tổ chức dạy học từ 6 đến 10 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 98,4%); 35/193 trường tổ chức bán trú cho học sinh (chiếm tỷ lệ 18,1%). Toàn tỉnh có 133 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,4%.

Để triển khai Chương trình GDPT mới, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh Tiền Giang. Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 113 lớp bồi dưỡng đại trà cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học về Chương trình GDPT mới, đặc biệt là đối với lớp 1.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo giới thiệu chi tiết nội dung 5 bộ sách lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT thẩm định cho Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo các phòng thuộc Sở GD-ĐT, cán bộ quản lý các Phòng GD-ĐT, 193 Hiệu trưởng, 193 Tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1 của các trường tiểu học, tiểu học - THCS trong toàn tỉnh.

THẢO PHƯƠNG

.
.
.