Thứ Hai, 09/03/2020, 11:11 (GMT+7)
.

Chọn nghề: Quan trọng là phải có đam mê

Thời điểm này là lúc học sinh (HS) lớp 12 đang băn khoăn, lo lắng trước quyết định chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp tốt cho tương lai là câu hỏi không hề đơn giản đối với các sĩ tử trước một kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.

Các thầy, cô tư vấn cho HS trong mùa tuyển sinh năm 2019.
Các thầy, cô tư vấn cho HS trong mùa tuyển sinh năm 2019.

Tín hiệu đáng mừng của giáo dục Tiền Giang trong nhiều mùa tuyển sinh vừa qua được các chuyên gia giáo dục đánh giá là chất lượng HS của Tiền Giang đậu vào các trường đại học, cao đẳng danh tiếng luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Dù niềm vui chung là vậy, nhưng việc chọn ngành nghề của HS luôn là vấn đề được quan tâm trong mỗi mùa tuyển sinh.

Theo Trường Đại học Tiền Giang, kỳ tuyển sinh năm 2020, dự kiến trường sẽ tuyển sinh 1.850 chỉ tiêu cho 21 ngành Đại học ngoài sư phạm và ngành Cao đẳng Sư phạm Mầm non.

Ngoài 2 phương thức tuyển sinh xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia và điểm học bạ như những năm trước, năm 2020, trường sẽ bổ sung thêm 2 phương thức tuyển sinh mới là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xét tuyển từ điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
 

CHỌN NGHỀ GÌ ĐỂ KHÔNG THẤT NGHIỆP?

Hiện nay, giáo dục Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng đang chịu tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nhiều mùa tuyển sinh gần đây, số lượng hồ sơ nộp dự tuyển vào các ngành khoa học, công nghệ, cơ khí, điện tử, công nghiệp… luôn ở mức cao. Đây cũng là những ngành nghề hiện đang có nhu cầu cao, cần số lượng lớn lao động, dễ kiếm việc làm…

Bên cạnh đó, quan niệm “cùng sào” mới vào khối C trong nhiều mùa tuyển sinh gần đây đã được xã hội cũng như HS nhìn nhận ở quan điểm tích cực. Nhiều ngành Khoa học xã hội (KHXH) được đánh giá là có triển vọng như: Luật, báo chí, truyền thông đa phương tiện, công tác xã hội, ngôn ngữ Anh… Nhu cầu thị trường lao động của các ngành này trong những năm gần đây đang ngày càng sôi động. Cơ hội việc làm cho nhóm ngành KHXH hiện nay rất cao và luôn rộng mở đối với những người yêu nghề, có năng lực thật sự, với mức thu nhập khá.

Em Nguyễn Thanh Thúy, HS Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, mặc dù là nữ nhưng em rất quan tâm và đam mê với nghành công nghệ ô tô. Điều mà em quan tâm hiện nay là với học lực khá, giỏi thì em nên chọn ngành này ở trường nào là phù hợp. Sau khi được các thầy cô tư vấn, em dự kiến sẽ chọn Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh để nộp hồ sơ dự tuyển. Theo tìm hiểu của Thúy, hiện tại trường đại học này có 4 chương trình đào tạo gồm đại trà, chất lượng cao Tiếng Việt, chất lượng cao Tiếng Anh và chương trình liên kết với Anh.

Ngành học thì vô cùng phong phú, chọn ngành nghề nào để không bị thất nghiệp sau khi ra trường? Quả là câu hỏi khó trong thời buổi hiện nay. Do đó, đòi hỏi công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành nghề cho HS cần phải được triển khai rộng khắp, để các em có cái nhìn bao quát hơn về tình hình thị trường lao động cũng như xu thế việc làm hiện nay, từ đó có phương án chọn lựa ngành nghề phù hợp. Theo các chuyên gia, có 5 ngành nghề được dự báo sẽ có nhu cầu cao trong năm 2020 cũng như trong những năm tiếp theo gồm: Công nghệ thông tin; bác sĩ, dược sĩ; du lịch; kỹ thuật cơ khí, điện, điện tử; marketing. 

PHẢI CÓ ĐAM MÊ VỚI NGHỀ

Theo nhiều giáo viên THPT, thời điểm này, HS lớp 12 đang phải tự chọn cho mình quyết định lớn trong cuộc đời, đó là chọn ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, công bằng mà nói, để ngành học thật sự phù hợp với bản thân thì người học phải có đam mê. Đam mê sẽ giúp người học tự khám phá, tự tìm cái khác biệt trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phương Toàn, chọn ngành học đã khó, làm sao để các em nuôi dưỡng đam mê của mình lại càng khó hơn. Chính ở thời điểm này, các em HS, đặc biệt là HS lớp 12 cần xác định đâu là ngành nghề mình yêu thích và theo đuổi trong tương lai để khoảng vài tháng nữa có thể đưa ra quyết định chính xác nhất. Các em phải suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn ngành nghề mình theo học; đồng thời, phải kiên định với lựa chọn của mình, đừng chọn đại ngành nghề, trường mà mình không thích, vì sai lầm đó rất khó sửa sau này.

“Ngay từ bây giờ, các em HS phải xác định được mình chọn học ngành gì, trường nào và năng lực của mình ra sao, phù hợp với điều kiện gia đình. Khi xét tuyển, các em cần ưu tiên hàng đầu những nhóm ngành mình yêu thích. Điều quan trọng là các em phải có đam mê ngay chính ngành nghề mình theo đuổi” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn nhấn mạnh.

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
Bảng xổ số miền bắc 30 ngày Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpTìm hiểu overthinking là gì
.