Chuyện học thời Covid-19: Quan trọng là ý thức của học sinh
Học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu nhất đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang lựa chọn để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Đa phần phụ huynh ủng hộ; tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn rằng, phương pháp học này chỉ áp dụng được với các gia đình có điều kiện trong việc tiếp cận với Internet.
Dù học sinh học theo hình thức nào việc tự học là vô cùng quan trọng. |
Theo phân tích của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, 3 yếu tố góp phần vào sự thành công của phương pháp dạy học trực tuyến đó là: Thứ nhất, phải có giải pháp tốt về công nghệ; thứ hai, việc quản lý học sinh của các trường học phải chặt chẽ và cuối cùng là thái độ sẵn sàng của học sinh.
CẦN LẮM SỰ QUAN TÂM CỦA PHỤ HUYNH
Cũng theo phân tích của đồng chí Nguyễn Phương Toàn, 2 yếu tố đầu tiên thì ngành Giáo dục có thể đáp ứng và chịu trách nhiệm tốt; còn thái độ sẵn sàng của học sinh khiến các thầy cô băn khoăn nhất, phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện khác, như về độ tuổi, học lực học sinh, điều kiện vùng, miền, hoàn cảnh của gia đình…
Lãnh đạo của nhiều trường cho biết, sau gần 2 tuần triển khai việc học trực tuyến đại trà ở bậc trung học phổ thông (THPT) của gần 38 trường, đa phần học sinh thích thú với hình thức học này. Bởi theo nhận xét của nhiều thầy cô, ở bậc học THPT, đa số các em đã có ý thức; sĩ số lớp khá đầy đủ. Một thuận lợi lớn của việc học trực tuyến là học sinh sẽ được tương tác với giáo viên thông qua các ví dụ, tình huống hoặc bài tập. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, vẫn còn không ít học sinh chểnh mảng trong việc học, học không đúng giờ, không chú ý làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên...
Sau khi bậc THPT được hướng dẫn về việc học trực tuyến, các trường thuộc bậc học trung học cơ sở và tiểu học cũng đã triển khai hình thức học này. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của ngành Giáo dục, đối với bậc học càng thấp thì việc dạy học trực tuyến đã gặp không ít khó khăn. Chủ trương ngành Giáo dục đưa ra đối với bậc học càng nhỏ thì việc học trực tuyến dựa trên yếu tố tự nguyện, không mang tính ép buộc, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của gia đình có thể cho học sinh tiếp cận với phương pháp này.
Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho cho biết, trường đã lên kế hoạch cụ thể và bài bản để giúp học sinh lớp 3, 4 và 5 của trường ôn tập lại bài cũ ở nhà trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh. Nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập chủ yếu ở 2 môn chính: Toán và Tiếng Việt. Về hình thức thực hiện, giáo viên sẽ tải bài lên phần mềm, sau đó học sinh sẽ dùng tài khoản của mình để mở và có thể ôn lại bài. Để việc học trực tuyến có hiệu quả thì phải có sự phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý, giúp đỡ con mình trong quá trình con học qua Internet.
Có thể thấy, dạy học trực tuyến có vai trò tích cực trong việc hướng dẫn học sinh tự học, vì thầy và trò có thể tương tác trực tiếp bất cứ thời điểm và không gian nào với điều kiện được nối mạng Internet. Vì thế, học sinh khi có thắc mắc gì sẽ được thầy cô giải đáp, nhất là trong những tình huống học sinh không thể tới trường như hiện nay. Việc dạy học trực tuyến trong thời điểm này chủ yếu là ôn lại kiến thức, chứ không dạy bài mới, với mục tiêu để cho học sinh không bị hổng kiến thức sau khi trở lại trường. Tuy nhiên, dù với hình thức học nào đi nữa thì ý thức học tập của học sinh là trên hết. Việc tiếp cận kiến thức, được nghe thầy cô giảng bài vừa là quyền vừa là trách nhiệm mà mỗi học sinh phải thực hiện nghiêm, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
VẪN CÒN KHÔNG ÍT BĂN KHOĂN
Vẫn còn không ít băn khoăn, đó là tâm trạng của nhiều phụ huynh, học sinh trước chủ trương về việc học trực tuyến của ngành Giáo dục hiện nay. Một khó khăn lớn nhất được dư luận quan tâm trong thời gian này chính là tình trạng khó kết nối với học sinh. Theo đó, nhiều học sinh sau khi nghỉ học, được ba mẹ gửi về quê, không thể kết nối Internet; cũng có học sinh lo chơi, nên đến giờ học giáo viên không thể kết nối được với học sinh. Bên cạnh đó, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để kết nối Internet, cũng như biết sử dụng các thiết bị điện tử thông minh.
Theo Sở GD-ĐT, việc dạy học trực tuyến trong tình hình ứng phó với dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn không có thu phí, chính vì vậy phụ huynh hãy an tâm, động viên con mình tham gia hình thức học này. Theo quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, cũng như học phí đối với tháng đi học bù; đồng thời, đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học.
ĐỖ PHI