Thứ Hai, 06/04/2020, 15:05 (GMT+7)
.

Tuyển sinh 2020: Thêm nhiều cơ hội cho thí sinh

Năm 2020, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều thay đổi trong cơ cấu ngành tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng đã “bắt tay” với doanh nghiệp để tìm “đầu ra” cho sinh viên...

Thay đổi chương trình đào tạo, hợp tác với các doanh nghiệp được xem là chiến lược phát triển của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay (ảnh chụp năm 2019).
Thay đổi chương trình đào tạo, hợp tác với các doanh nghiệp được xem là chiến lược phát triển của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay (ảnh chụp năm 2019).

THÊM NGÀNH, NGHỀ MỚI

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 99/2019 của Chính phủ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; là năm tiền đề để các trường điều chỉnh các yếu tố về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, cung ứng ra thị trường nguồn lực lao động tốt nhất, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang cũng như các trường cao đẳng khác trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được uy tín, chất lượng về đào tạo của mình, tỷ lệ sinh viên ra trường kiếm được việc làm ngày càng cao, có nhiều cơ hội thăng tiến. Một trong những yếu tố mà các trường đã và đang hướng tới là thiết kế các chương trình đào tạo làm sao cho phù hợp với tình hình địa phương, đáp ứng được sự kỳ vọng lớn của toàn xã hội.

Kỳ tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Tiền Giang tuyển sinh 25 ngành đào tạo với 1.850 chỉ tiêu, trong đó có các ngành mới: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ Văn, Đại học Du lịch, Đại học Bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang còn liên kết với Công ty TNHH Esuhai và Trường Nhật ngữ Kaizen Yoshida School tuyển sinh chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản các ngành: Cơ khí, Cơ điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Xây dựng, Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học.

Đây là năm thứ 2 Trường Cao đẳng Tiền Giang tuyển sinh sau khi tiến hành sáp nhập 3 trường: Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trung cấp Nghề Giao thông - Vận tải và Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật. Năm 2020, trường dự kiến đào tạo  3.615 chỉ tiêu, trong đó hệ dài hạn 1.450 chỉ tiêu (cao đẳng 600, trung cấp 850) và hệ ngắn hạn 2.165 chỉ tiêu. Thế mạnh của nhà trường là đào tạo các ngành điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện dân dụng…

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Quang Khải cho biết, theo đánh giá, năm 2019 nhà trường tuyển sinh được 22 ngành nghề trình độ trung cấp, cao đẳng và liên thông cao đẳng với số lượng 978/1.140 chỉ tiêu tuyển sinh được giao, đạt 85,8%. Đối với trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo, bồi dưỡng có 376/350 chỉ tiêu tuyển sinh, đạt 107,4%. Năm 2020, với quyết tâm và khí thế mới, hy vọng tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường sẽ cao hơn năm đầu tiên.

CHÚ TRỌNG THỰC TẬP NGHỀ NGHIỆP

Chú trọng thực tập nghề nghiệp, giúp sinh viên tìm kiếm việc làm hiện là 2 vấn đề lớn được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh quan tâm trong chiến lược đào tạo của mình. Có thể thấy, trong những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên, như xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế của xã hội, hỗ trợ sinh viên thực hành thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nắm bắt đây là nhu cầu thiết yếu, Trường Đại học Tiền Giang đã thành lập Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Tư vấn tuyển sinh. Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm là nơi thực hiện hợp tác, ký kết để sinh viên thực tập và tạo đầu ra cho các em. Ngoài ra, trường cũng đã đầu tư phòng thí nghiệm thông minh để sinh viên thực hành. Đồng thời, các em sẽ được trải nghiệm, thực tập ở các doanh nghiệp: VNPT Tiền Giang, IC Food Việt Nam, Công ty TNHH  BEOWULF Việt Nam… Tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác với gần 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để có thể giải quyết việc làm cho sinh viên.

Còn tại Trường Cao đẳng Tiền Giang, vừa qua, thông qua Chương trình “Hàn Quốc, bạn của thế giới”, KOICA đã cử 4 tình nguyện viên đến hỗ trợ nhà trường trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện lạnh, công nghệ ô tô. Theo đó, tổ chức KOICA đã hỗ trợ nhà trường hiện đại hóa xưởng thực hành ô tô với tổng giá trị thiết bị 19.500 USD, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy của nhà trường; đồng thời, giúp trường có khả năng bảo dưỡng, sửa chữa các loại ô tô từ 16 chỗ ngồi trở xuống theo yêu cầu của người dân.

Một điều cũng rất quan trọng hiện nay mà các trường đại học, cao đẳng đang hướng đến là tập trung bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Có thể thấy, Tiếng Anh nói riêng cũng như các ngôn ngữ nước ngoài khác nói chung hiện được xem là vấn đề khá phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là đối với thị trường lao động như hiện nay thì việc giỏi bất kỳ một ngôn ngữ nào vẫn là lợi thế cho người lao động.

Có thể thấy rằng, thị trường lao động hiện nay đang đòi hỏi rất khắt khe nguồn lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao. Việc đổi mới trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay được xem là giải pháp để các trường có thể tự tồn tại. Bên cạnh những cố gắng của các nhà trường thì phải đòi hỏi rất nhiều ở tính độc lập, sáng tạo và nắm bắt thời cơ của người học.

THẢO PHƯƠNG

.
.
.