Đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non trở lại trường
Vào ngày 18-5, tất cả học sinh bậc học mầm non của tỉnh sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ gần 3 tháng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian học sinh mầm non đi học trở lại đã được UBND tỉnh và lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang thảo luận, tính toán hết sức thận trọng.
Do trẻ mầm non còn quá nhỏ, chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân nên việc cho trẻ đến trường đã đặt ra cho ngành GD-ĐT 2 vấn đề lớn, đó là làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ và tổ chức các hoạt động như thế nào để trẻ thích nghi với trường lớp, bạn bè cũng như tạo được niềm tin ở phụ huynh. Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết:
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) tiến hành vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. |
Toàn tỉnh hiện có 186 trường mầm non, với trên 5.400 trẻ nhà trẻ và hơn 55.000 trẻ mẫu giáo; trong đó có 150 trường mầm non có tổ chức bán trú. Có thể nói, việc cho trẻ mầm non đi học trở lại trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Về cơ bản trẻ mầm non vẫn còn rất nhỏ nên việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi trở lại trường luôn được ngành GD-ĐT quan tâm và đặt lên hàng đầu.
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã làm gì để chuẩn bị đón trẻ mầm non trở lại trường?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Việc cho trẻ đi học trở lại trong thời điểm hiện nay rất cần sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trước khi cho trẻ đến trường, ba mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu được những niềm vui khi trở lại trường.
Phụ huynh không nên nôn nóng, la rầy trẻ mà hãy để việc đến trường của trẻ được diễn ra một cách tự nhiên.
Trước khi chuẩn bị đón trẻ trở lại trường, các cơ sở giáo dục mầm non đã phân công cán bộ, giáo viên tiến hành làm vệ sinh kỹ lưỡng các khu vực vui chơi trong sân trường, các phòng sinh hoạt chung của trẻ, nhà bếp, nhà vệ sinh; lau chùi, rửa đồ chơi cho trẻ…
Các đơn vị trường học thông báo đến từng phụ huynh ngày trở lại trường của trẻ; đồng thời, tư vấn một số vấn đề cần thiết như đo thân nhiệt cho trẻ, không nên cho trẻ đến trường khi trẻ có dấu hiệu nóng, sốt…
* PV: Trẻ mầm non còn quá nhỏ, chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân nên khi trẻ đi học trở lại thì ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho trẻ, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Khi cho học sinh bậc mầm non trở lại trường học thì vấn đề an toàn cho trẻ luôn được ngành GD-ĐT tỉnh đặt lên hàng đầu. Tùy theo tình hình thực tế của từng trường mà việc tổ chức đón, trả trẻ sao cho phù hợp.
Nhà trường có thể thông báo với phụ huynh giờ đón, trả trẻ lệch giờ nhau giữa các độ tuổi hoặc nhà trường căng dây làm các lối đi trên sân cho phụ huynh khi đưa đón trẻ.
Khi vào lớp, giáo viên hướng dẫn cho trẻ vệ sinh chân tay; hướng dẫn, nhắc nhở trẻ không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng, không khạc nhổ bừa bãi và bỏ rác đúng nơi quy định.
Trong sân trường, các trường nên gắn thêm nhiều máng rửa tay cho trẻ sử dụng. Các trường thường xuyên chỉ đạo giáo viên lau chùi lớp học sạch sẽ sau các hoạt động học, ăn, ngủ, đặc biệt là thường xuyên rửa đồ chơi trong lớp và vệ sinh sạch sẽ đồ chơi ngoài trời.
Đối với các đơn vị có tổ chức bán trú thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu tiếp nhận thực phẩm, chế biến, tổ chức cho trẻ ăn. Trong lớp, mỗi trẻ phải được trang bị 1 ca uống nước và 1 khăn mặt riêng biệt, không sử dụng chung với trẻ khác.
Các dụng cụ vệ sinh cá nhân của trẻ đều được hấp sấy tiệt trùng hoặc được trụng qua nước sôi trước khi cho trẻ sử dụng. Một điều cũng rất quan trọng là giáo viên phải thường xuyên giữ liên lạc với cha mẹ trẻ, để kịp thời thông báo tình hình của trẻ khi ở trường cũng như khi ở nhà.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) tiến hành vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: PHI CÔNG |
* PV: Theo đồng chí, làm thế nào để trẻ mầm non sớm thích nghi với trường lớp, bạn bè sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời, chương trình giáo dục mầm non sẽ được điều chỉnh ra sao cho phù hợp với tình hình học tập hiện nay?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Tất cả học sinh bậc học mầm non của tỉnh sẽ trở lại trường từ ngày 18-5. Chuyện trẻ quấy khóc khi mới đi học trở lại là hoàn toàn bình thường; do đó phụ huynh hãy yên tâm và không nên quá lo lắng.
Trong tuần đầu trẻ trở lại trường, công việc quan trọng của giáo viên là cho trẻ làm quen với trường lớp. Đối với những trẻ quấy khóc, giáo viên sẽ dỗ dành và dành nhiều thời gian để chơi với trẻ.
Đối với việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập sẽ chủ động xây dựng lại kế hoạch giáo dục, trong đó tinh giản một số nội dung hoặc thực hiện dưới hình thức tích hợp sao cho đảm bảo được các mục tiêu cơ bản cần đạt của từng độ tuổi, đặc biệt là với trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non trở lại trường, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ ở các trường.
ĐỖ PHI (thực hiện)