Giúp trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng
Với vai trò, chức năng của mình, những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã làm tốt công tác giáo dục hòa nhập, giúp nhiều trẻ vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Dạy trẻ ở lớp học can thiệp sớm tại Trung tâm. |
Tọa lạc gần cầu Đỏ trên Quốc lộ 60 thuộc phường 5, TP. Mỹ Tho, Trung tâm hiện là “ngôi nhà chung” của 180 trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, tự kỷ, bại não, bệnh down… với các lớp học gồm: 12 lớp can thiệp sớm, 1 lớp tâm vận động, 1 lớp âm ngữ trị liệu và 1 lớp phục hồi chức năng. Mặc dù trang thiết bị vật chất của Trung tâm đáp ứng đầy đủ nhưng các thầy cô giảng dạy ở Trung tâm phải nỗ lực thay đổi, sáng tạo liên tục để tạo sự thích thú và kích thích sự tò mò học hỏi của các em học sinh đặc biệt.
HƠN CẢ MẸ HIỀN
Trung tâm có khoảng 15 phòng học, nhưng mỗi phòng học chỉ có một em học sinh. Bên cạnh giáo viên giảng dạy còn có sự hỗ trợ của phụ huynh hướng dẫn cho mỗi em trong từng tiết học. Để các em có thể học tập, hòa nhập tốt trong cuộc sống, đòi hỏi thầy cô của Trung tâm ngoài sự nhẹ nhàng, ân cần, còn có cả sự kiên trì chăm sóc, giáo dục các em bằng cả tình yêu thương. Do đó, trong mỗi ánh mắt học trò của mình, thầy cô thấu hiểu những gì các em đang suy nghĩ và mong muốn.
Chia sẻ kinh nghiệm 7 năm gắn bó với Trung tâm, cô Trương Thị Ngọc Bích cho biết: “Dạy dỗ trẻ hòa nhập không hề đơn giản, các thầy cô phải quan sát thật kỹ những cử chỉ, ánh mắt để có thể thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp với từng em... Chính vì vậy, áp lực công việc không hề nhỏ, có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng với tình yêu trẻ mến nghề, tôi luôn gần gũi, trò chuyện dạy dỗ các em mỗi ngày, với mong muốn mang đến tiếng cười cũng như bù đắp những khiếm khuyết, dị tật mà các em đang gánh chịu.
Để làm tốt công tác giảng dạy ở Trung tâm đặc biệt này, đòi hỏi mỗi thầy cô đều phải có tính nhẫn nại, mềm mại, dịu dàng, chịu thương chịu khó, yêu thương các trẻ như con cháu ruột thịt trong nhà. Mỗi khi có trẻ bi bô phát âm được từng chữ hay có thể tự cầm nắm là tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc”. Chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay, lớp học của cô Bích đã có 2 trẻ được học hòa nhập tại các trường mẫu giáo với các trẻ bình thường. Đây là niềm vui mà cô Bích mong đợi trong những năm thực hiện công tác giảng dạy tại Trung tâm.
HẠNH PHÚC KHI TRẺ HÒA NHẬP TỐT
Mong muốn lớn nhất ở thầy cô giảng dạy tại Trung tâm là có thể mang lại môi trường hòa nhập tốt, những bài giảng chuyên biệt hay cho các em. Sự trưởng thành hay đơn giản chỉ là sự tự chăm sóc bản thân của các em học sinh là những món quà vô giá, niềm hạnh phúc đối với thầy cô. Luôn thầm lặng cống hiến với tấm lòng yêu thương đã làm ấm lòng nhiều trẻ em kém may mắn bị khuyết tật và tạo được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh.
Chị Trà Thị Kim Trang, mẹ em Nguyễn Trà Như Ngọc (6 tuổi, đã theo học ở Trung tâm được 3 năm) cho biết: “Những ngày đầu mới vào Trung tâm, bé không ngồi vững, chậm hiểu biết. Qua thời gian học ở Trung tâm, đến nay bé đã nhận thức được nhiều điều, biết cười, vỗ tay khi nghe cô giáo hát hay khoanh tay dạ thưa mỗi khi gặp ông bà, biết ôm hôn cha mẹ… Cả gia đình ai cũng vui mừng trước sự tiến bộ từng ngày của bé và rất cảm ơn sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của các thầy cô của Trung tâm”.
Theo Giám đốc Trung tâm Võ Văn Lê, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi được xem là “giai đoạn vàng” để phát hiện các khiếm khuyết, dị tật và tập luyện cho trẻ hòa nhập. Tuy nhiên, đa phần các trẻ được gia đình đưa đến Trung tâm đều trên 3 tuổi nhưng Trung tâm vẫn nhận dạy với mong muốn giúp các em có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Bởi thực tế, thời gian qua, trên 80% trẻ dưới 3 tuổi đến học lớp can thiệp sớm của Trung tâm đều học hòa nhập có hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn có Câu lạc bộ Khiếm thính dành cho độ tuổi thanh niên, với việc tổ chức các lớp học kỹ năng sống, dạy nghề, giới thiệu việc làm… đã tạo điều kiện cho các em hòa nhập tốt với cộng đồng.
Theo đó, có nhiều em được giới thiệu làm việc tại các công ty, xí nghiệp ở tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh với các nghề may mặc, làm mộc, làm thợ bạc… có thu nhập, ổn định cuộc sống. “Tuy nhiên, Trung tâm hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, như cơ sở vật chất xuống cấp, số lượng giáo viên không đáp ứng đủ so với số trẻ học hòa nhập ngày càng tăng. Do đó, thời gian tới, Trung tâm mong muốn các cấp, các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ để Trung tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giảng dạy trẻ hòa nhập” - Giám đốc Trung tâm Võ Văn Lê cho biết thêm.
NHƯ NGỌC