.

"Trả lại" mùa hè cho học sinh

Cập nhật: 09:56, 22/07/2020 (GMT+7)
(ABO) Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề xuất không dạy học trước ngày khai giảng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận. Vấn đề là ngành GD-ĐT có giải pháp thế nào vừa đảm bảo chương trình học, vừa để các em có được mùa hè trọn vẹn và thật sự ý nghĩa.
 
Thực tế nhiều năm học qua, HS chỉ được nghỉ hè khoảng 2 tháng (tháng 6 và tháng 7), đầu tháng 8 phải tựu trường, bắt đầu học chương trình mới cả tháng, rồi mới đến khai giảng. Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại vô tình “đánh cắp” mùa hè của HS. Do đó, việc hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy trước chương trình của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng tình rất cao từ dư luận.
 
PHỤ HUYNH ĐỒNG TÌNH 
 
Anh Nguyễn Trọng Tiến, 45 tuổi, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho cho rằng, thế hệ học sinh trước đây đã thực sự có 3 tháng hè trọn vẹn nhưng không hiểu lý do vì sao mà nhiều năm gần đây, thời gian nghỉ hè của HS rất ít. Ngay vào đầu tháng 8 hằng năm, HS phải tựu trường, học chương trình mới. Đến ngày 5-9, các trường mới tổ chức khai giảng. Đây là điều vô cùng phi lý, bởi ngày hè là dịp để HS vui chơi thỏa thích, về quê thăm ông bà nhưng thời gian nghỉ hè của HS quá ít, không đủ để các em nghỉ ngơi, giải tỏa những áp lực căng thẳng trong suốt 9 tháng học tập trong nhà trường. Do đó, anh rất đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT trong việc cho HS nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè .
 
Hãy trả lại mùa hè thật sự đúng nghĩa cho trẻ thơ.
Hãy trả lại mùa hè thật sự đúng nghĩa cho trẻ thơ. (Trong ảnh: Học sinh tham gia sinh hoạt hè ở TP.  Mỹ Tho). 
Chị Trần Thị Thu Hương, phường 3, TP. Mỹ Tho cũng hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc sẽ học chính thức sau ngày khai giảng.
 
Tuy nhiên, chị Hương cho rằng, bên cạnh việc không dạy trước ngày khai giảng thì ngành GD-ĐT cũng nên xem xét vấn đề dạy thêm, học thêm trong hè. Bởi hiện nay, không chỉ HS mà ngay cả phụ huynh cũng ngao ngán với chuyện học thêm. Do đó, ngoài ngành GD-ĐT, chính những bậc phụ huynh cũng phải xem lại việc trả lại 3 tháng hè đúng nghĩa cho HS để các em được nghỉ ngơi, thư giãn, chuẩn bị tinh thần cho năm học mới. 
 
LÀM SAO ĐỂ HS CÓ NGÀY HÈ Ý NGHĨA?
 
Nếu cho HS nghỉ trọn 3 tháng hè thì điều phụ huynh quan tâm là thời gian nghỉ như thế có ảnh hưởng đến việc học tập của HS, việc tiếp nhận các kiến thức của HS có bị hạn chế hay không. Thêm một nỗi lo không kém là HS sẽ mê chơi điện thoại, dễ nghiện game do không được quản lý chặt chẽ trong những ngày nghỉ hè do cha mẹ bận đi làm… 
 
Về chương trình học, theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, nếu như chương trình học của bậc học phổ thông ở các cấp học trước đây là 37 tuần thì dự kiến bắt đầu năm học 2020 - 2021 sẽ tính toán, thiết kế lại chỉ còn 35 tuần.
 
Các nội dung kiến thức trong chương trình các bậc học vẫn được đảm bảo truyền tải để HS có thể phát triển tốt tất cả mọi kỹ năng. Việc HS quên kiến thức là điều khó có thể xảy ra vì chương trình học được thiết kế rất chặt chẽ từ các nội dung cơ bản cho đến nâng cao. Bên cạnh đó, HS được học đi, học lại và được giáo viên hướng dẫn thực hành nên sẽ nhớ lâu và khó quên. 
 
Tiến sĩ Võ Phúc Châu, Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang cho rằng, dù phương án nào đưa ra cũng sẽ có những ý kiến đồng thuận và  ý kiến trái chiều nhưng tựu chung lại chúng ta cần để HS nghỉ hè thật sự vui vẻ và bắt đầu năm học mới một cách đúng nghĩa. Để HS có được mùa hè thật sự ý nghĩa thì không riêng gì ngành GD-ĐT mà cần có sự phối hợp, cộng đồng của toàn xã hội và hơn ai hết chính là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. 
 
Cũng theo Tiến sĩ Võ Phúc Châu, ngoài những nội dung trong nhà trường, có rất nhiều thứ khác HS cần phải học, nhất là kỹ năng sống và sự trải nghiệm thế giới bên ngoài.  Mùa hè chính là thời gian để HS về quê thăm ông bà, hòa nhập vào thiên nhiên, tham gia các lớp năng khiếu, vận động thể thao và vui chơi giải trí để thư giãn, chuẩn bị năng lượng sẵn sàng cho năm học mới. Do đó, việc nghỉ 3 tháng hè trọn vẹn rất đáng hoan nghênh.
 
Các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi cho con trẻ nghỉ hè quá lâu. Chính mùa hè là thời gian để các bậc phụ huynh gần gũi, sâu sát con hơn, giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng khắng khít. Phụ huynh không nên đặt nặng việc học thêm trong hè mà hãy cùng con ôn lại kiến thức của năm học trước. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn trong mùa hè cũng cần được lưu ý để tránh trẻ không nghiện game hay tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước…
 
Sau 9 tháng học tập miệt mài trong nhà trường, việc được tận hưởng 3 tháng hè là niềm mơ ước của rất nhiều HS. Do đó, chung tay trả lại mùa hè đúng nghĩa  cho HS là việc cần làm khi cả ngành GD-ĐT đang thật sự tâm huyết cho công cuộc đổi mới này. 
 
Đ.P
.
.
.