Thứ Hai, 27/07/2020, 11:25 (GMT+7)
.

"Truyền lửa" văn hóa đọc, từ đâu?

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Khơi dậy tinh thần đọc sách cho giới trẻ được xem là nhiệm vụ không chỉ của ngành GD-ĐT tỉnh nhà mà đó là sự chung tay của toàn xã hội.

Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chất  văn hóa đọc trong trường học.
Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chất văn hóa đọc trong trường học.

Phải thừa nhận rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đem lại cho con người nhiều tri thức trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên có một thực trạng đáng buồn hiện nay là đi ngược với sự phát triển của mạng xã hội là sự đi xuống của văn hóa đọc ở bộ phận giới trẻ. Do đó, làm sao để tạo động lực, nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn.

THỰC TRẠNG BUỒN

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc đi xuống về văn hóa đọc ở bộ phận giới trẻ hiện nay là thực trạng đáng buồn. Vào thư viện ở các trường học hiện nay rất khó để bắt gặp những học sinh ngồi chăm chú đọc sách. Hầu hết các thư viện trường học đều rơi vào cảnh vắng tanh, đìu hiu. Thay vào đó, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ tay cầm điện thoại lướt web hàng giờ mà không biết mệt mỏi…

Có nhiều nguyên nhân khiến văn hóa đọc của giới trẻ ngày càng đi xuống, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như sự tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội, game online; áp lực học tập của học sinh hiện nay là quá lớn khiến các em có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn; cha mẹ chưa tạo được niềm đam mê cũng như thói quen đọc sách cho con…

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cũng thừa nhận, thực tế thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều cố gắng để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh trong các trường học bằng nhiều hình thức như: Tổ chức mô hình “Vườn hoa tri thức”, tiết đọc thư viện, Hội thi “Kể chuyện theo sách”… Tuy nhiên, văn hóa đọc hiện nay vẫn đang chịu tác động của một số yếu tố nhất định. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh được xem là việc làm cần thiết trong môi trường giáo dục hiện nay, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

ƯƠM MẦM TÌNH YÊU SÁCH

Thực tế, việc đi tìm giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho học sinh là vấn đề được bàn bạc rất nhiều trong thời gian qua. Và trong rất nhiều giải pháp thì việc kết hợp 3 môi trường nhà trường, gia đình và xã hội là giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho học sinh được chú ý nhiều hơn cả. Trong đó, môi trường học đường chính là điều kiện tốt nhất để bồi dưỡng, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 532 trường học, trong đó trên 370 trường phổ thông được đầu tư thư viện để giáo viên, học sinh đến đọc sách và học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn sách ở thư viện của hầu hết các trường học có được chủ yếu từ hoạt động xã hội hóa nên chất lượng sách còn kém, không được chọn lọc kỹ càng…

Theo đồng chí Nguyễn Phương Toàn, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh là việc làm ý nghĩa và thường xuyên của ngành GD-ĐT. Trong thời gian tới, ngành sẽ chỉ đạo hệ thống trường học tăng cường hơn nữa nguồn sách từ các thư viện, nâng chất các tiết đọc sách ở các cấp học và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ làm công tác thư viện…

Theo Thạc sĩ Khoa học xã hội Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay, để rèn luyện trẻ có thói quen đọc sách, thì trước tiên cần giáo dục rèn luyện cho trẻ xem việc đọc sách là việc làm thường xuyên như đánh răng, ăn sáng, phải ấn định cho trẻ mốc thời gian dành cho đọc sách trong ngày. Thứ hai, định hướng giúp trẻ xem việc đọc sách là sự chủ động, tự giác không cần phải nhắc nhở. Thứ ba, phải tạo cho trẻ không gian đọc sách thoải mái, xem việc đọc sách là niềm vui, không bị gò bó.

Nhà thơ - Nhà báo Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cho rằng, để nâng cao văn hóa đọc đặc biệt là ở học sinh, thì cần phải tạo ra không gian đọc thật sự, để các em thích thú tìm hiểu những cái hay từ nội dung các quyển sách. Đối với gia đình, cần quan tâm đến việc đọc sách của con em mình, trong đó ba mẹ phải là tấm gương cho các con noi theo trong việc đọc sách…

ĐỖ PHI

.
.
.