Nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học?
Cập nhật: 10:50, 23/09/2020 (GMT+7)
(ABO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có điểm mới là học sinh sẽ được phép sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Vấn đề này đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình nhưng cũng có không ít người lại phản ứng cho rằng không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Đứng trước bối cảnh cả nước đang đổi mới giáo dục thì câu chuyện nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hiện là bài toán nan giải, cần có giải pháp, lộ trình và hướng dẫn từ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) một cách cụ thể.
Nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cần có sự tính toán thật kỹ lưỡng. Ảnh: NHƯ NGỌC |
Thực tế hiện nay, hầu hết học sinh từ khoảng lớp 5 trở lên đều có cho riêng mình chiếc điện thoại di động. Phụ huynh trang bị điện thoại cho con chủ yếu với mục đích liên lạc với con trong việc đưa đón đi học hay khi xảy ra đau ốm đột xuất...
Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã và đang có rất nhiều cố gắng để cải tiến nâng chất giáo dục. Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành là đã thực hiện rất tốt Nghị quyết 88 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó vấn đề cải tiến, thay sách giáo khoa mới đang được dư luận đánh giá rất cao.
Nền giáo dục Việt Nam hiện đã và đang bước vào nền giáo dục 4.0, hội nhập với các tri thức quốc tế. Chính vấn đề đổi mới đã đặt ra cho chúng ta phải thích nghi và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, đặc biệt là trong các hoạt động dạy và học.
Như thế, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là phù hợp với xu thế đổi mới, phát huy được tư duy, tính năng động của học sinh, bởi kho tàng kiến thức trên mạng Internet là vô tận, các cá nhân đều có quyền khai thác và sử dụng. Một ví dụ thực tế có thể thấy là học sinh có thể sử dụng điện thoại là giờ học Tiếng Anh, các em có thể tra cứu nghĩa từ vựng hay học cách phát âm... Như vậy việc sử dụng điện thoại của học sinh là hoàn toàn hữu ích trong học tập, nếu các em biết cách khai thác đúng cách.
Thế nhưng có không ít ý kiến lại phản đối việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Dư luận cho rằng, đổi mới giáo dục là việc làm đáng hoan nghênh nhưng chủ trương cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là chưa phù hợp, đặc biệt là đặt trong bối cảnh đạo đức của một bộ phận học sinh trong môi trường học đường hiện nay đang xuống cấp.
Bài toán của vấn đề đặt ra là ai sẽ là người quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học. Chúng ta đã từng gặp rất nhiều trường hợp trên bục giảng giáo viên say sưa giảng bài, phía dưới học sinh vô tư mở điện thoại xem phim, nhắn tin... Giáo viên có nhắc nhở, tịch thu điện thoại của học sinh như "bắt cóc bỏ dĩa", bởi khi trả lại điện thoại cho học sinh thì đâu cũng vào đấy. Và như thế, câu chuyện tịch thu điện thoại của học sinh rồi trả, cứ thế lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, cuối cùng người chịu nhiều áp lực không ai khác chính là giáo viên.
Như vậy, thiết nghĩ vấn đề nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cần phải có sự cân nhắc, tính toán sao cho thật kỹ lưỡng. Đặc biệt việc thực hiện phải có lộ trình và có cơ chế quản lý trong quá trình học sinh sử dụng điện thoại trên lớp.
Trong Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT có hướng dẫn rõ việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ lên lớp và phải được giáo viên đồng ý. Như vậy, cơ chế quản lý đặt ra với người thực hiện và có trách nhiệm không ai khác chính là giáo viên. Giáo viên phải là người định hướng cho học sinh của mình khi nào là nên sử dụng điện thoại và sử dụng như thế nào cho hợp lý. Điều này cho thấy, việc sử dụng điện thoại của học sinh cần phải thực hiện đúng lúc và đúng chỗ.
Do đó, đứng trước bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, giáo viên hãy là người định hướng học sinh cách tiếp cận, tìm kiếm, sàng lọc thông tin, đánh giá, phân tích các kiến thức mà mình tìm kiếm được trên điện thoại cũng như mạng Internet nhằm phát huy tư suy, khả năng sáng tạo của học sinh.
Đ.P.C