.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn:

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021

Cập nhật: 15:33, 07/09/2020 (GMT+7)

Năm học 2020 - 2021 đã chính thức bắt đầu với không khí khai giảng hân hoan và an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là năm học mang tính chất quan trọng bởi toàn ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết:

 

Năm học 2020 - 2021, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang có 186 trường mầm non, mẫu giáo, 184 trường tiểu học, 124 trường THCS (trong đó có 7 trường tiểu học &THCS), 38 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 3 khoa giáo dục thường xuyên trong các trường trung cấp và 172 trung tâm học tập cộng đồng.

Trong năm học này, toàn tỉnh có trên 55 ngàn trẻ mẫu giáo và mầm non, trên 130 ngàn học sinh tiểu học, gần 100 ngàn học sinh THCS và khoảng 45 ngàn học sinh THPT.

Hiện số trường, lớp của các cấp học đảm bảo tiếp nhận số học sinh theo kế hoạch tuyển sinh và đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập cho tất cả các đối tượng.

* Phóng viên (PV): Bên cạnh những thuận lợi thì năm học mới này, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang có những khó khăn nào, thưa đồng chí?
 

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT gặp một số khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, dù đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhưng một số địa phương vẫn còn phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới, một số điểm trường thiếu phòng học. Mặt khác, so với số lượng được giao thì hiện tại tỉnh Tiền Giang vẫn còn thiếu 447 giáo viên mầm non, điều này đang gây khó khăn cho ngành trong công tác giảng dạy ở bậc học mầm non…

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới ở lớp 1, do đó ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo mới để dạy lớp 1.

Toàn ngành sẽ tập trung các giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu quan trọng đề ra; trong đó, huy động 16% trẻ nhà trẻ, 85,5% trẻ mẫu giáo, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; huy động trẻ từ 6 đến 10 tuổi ra lớp học tiểu học đạt 100%, THCS đạt 99%, THPT và tương đương 81%. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc học mầm non 52,1%, tiểu học 75,3%, THCS 52,4%  và THPT 52,6%.

* PV: Đồng chí cho biết những giải pháp mà ngành GD-ĐT sẽ triển khai để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Toàn ngành tiếp tục phát huy những thành quả sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của năm học 2020 - 2021.

Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đề ra 9 nhiệm vụ: Rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cơ sở giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện 9 nhiệm vụ trên, ngành GD-ĐT đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT; xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các trường; tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở GD-ĐT, các chương trình đào tạo, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục.
 

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ĐỖ PHI
 

.
.
.