.

Tài liệu tham khảo cho lớp 1 có thật sự cần thiết?

Cập nhật: 16:10, 12/09/2020 (GMT+7)
(ABO) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang Lê Quang Trí khuyến cáo tất cả trường tiểu học của tỉnh trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là tuyệt đối không ép buộc phụ huynh và học sinh mua tài liệu tham khảo, vở bài tập kèm theo. Bởi các loại sách bài tập, tài liệu tham khảo được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. 
 
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Tiếng Anh.
 
Theo đó, Bộ GD-ĐT cũng giải thích thêm, việc trang bị các sách tham khảo nhằm để phục vụ nhu cầu giảng dạy của giáo viên tốt hơn. Ngoài ra không được ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo, mà việc trang bị đối với phụ huynh học sinh dựa trên tinh thần tự nguyện, dựa trên nhu cầu của bản thân. 
 
Ngành giáo dục khuyến cáo các trường không được ép phụ huynh mua tài liệu tham khảo.
Ngành GD-ĐT khuyến cáo các trường không được ép phụ huynh mua tài liệu tham khảo.
 
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là tài liệu tham khảo có thật sự cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1. Nhìn nhận ở gốc độ chuyên môn có thể thấy rằng, tài liệu tham khảo là rất cần thiết đối với giáo viên, bởi chương trình năm nay là hoàn toàn mới.
 
Nếu không có tài liệu tham khảo thì giáo viên đứng lớp giảng dạy sẽ rất bối rối trong việc triển khai và thiết kế các bài giảng. Như vậy, tài liệu tham khảo là nguồn tư liệu quý giá cho các trường học trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như sách giáo khoa mới, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. 
 
Còn đối với phụ huynh, học sinh có cần tài liệu tham khảo không? Các chuyên gia về giáo dục cho rằng, cũng cần thiết, nhưng mức độ quan trọng lại không bằng giáo viên. Có thể nói, đổi mới lần này là đổi mới căn bản, đối mới phương pháp giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Chính vì vậy, mức độ thành công hay thất bại của sự đổi mới lần này là hoàn toàn phụ thuộc vào người giáo viên.
 
Tuy nhiên cũng không có nghĩa là phủ nhận vai trò của phụ huynh, học sinh. Bởi nếu phụ huynh thực sự quan tâm chăm lo việc học của con thì tài liệu tham khảo sẽ là "người bạn đồng hành" rất quý giá để hướng dẫn, giúp đỡ con trong học tập. Thế nhưng thực tế hiện nay có không ít phụ huynh vẫn còn thờ ơ với việc học của con, tất cả trông chờ vào giáo viên nên việc chọn và mua tài liệu tham khảo sẽ trở nên vô nghĩa, đó chỉ là hình thức chạy theo đám đông, mua rồi để đó chứ không sử dụng. 
 
Ở góc nhìn khác cho thấy rằng, nội dung các tài liệu tham khảo của một số môn học có thể nói là phù hợp. Tuy nhiên, ở một vài môn học như Hoạt động trải nghiệm, Thể dục thì nguồn tài liệu tham khảo có thể nói là không cần thiết. Bởi các môn này hoàn toàn mang tính chất thực tế, căn cứ vào điều kiện, tính chất, môi trường của từng đơn vị để có thể triển khai. Mặt khác, người đứng lớp cũng đã có sách hướng dẫn cụ thể dành cho giáo viên. 
 
Qua phân tích cho thấy, sách hướng dẫn, tài liệu tham khảo hoàn toàn tốt nhưng làm sao để có thể sử dụng tài liệu tham khảo hiệu quả. Do đó, phụ huynh cần kết hợp với nhà trường mà đặc biệt là giáo viên đứng lớp trong việc giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh sử dụng tài liệu tham khảo để có thể phát huy năng lực sáng tạo và hiểu bài hơn.
 
Không thể phũ nhận điểm số là thước đo đánh giá năng lực học sinh nhưng đôi khi cũng có những "điểm số ảo"; do đó, phụ huynh không nên ép con chạy theo điểm số. Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cổ xúy cho việc con chép sách mẫu mà hãy phát huy năng lực sáng tạo tự có của con nhằm tạo sự hứng thú, động lực học tập cho con em mình.
Đ.PHI  
 
.
.
.