ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:
Cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh
(ABO) Dư luận những ngày qua đang bàn luận nhiều trước thông tin chương trình học sách giáo khoa mới đang bị quá tải, gây áp lực cho học sinh. Nhiều phụ huynh đã không kiềm chế chia sẻ những dòng cảm xúc trên mạng xã hội để phản đối về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).
Tuy nhiên, bình tĩnh suy xét lại thì đây hoàn toàn là những việc làm không hay. Bởi việc làm của người lớn mà cụ thể là phụ huynh và giáo viên cần làm lúc này là giúp học sinh có thể thích nghi với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như sách giáo khoa mới.
Ở trường học, giáo viên hãy là người hướng dẫn học sinh lớp 1 thực hiện tốt việc học. |
Nhìn nhận ở gốc độ tổng thể, có thể thấy rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới có những điểm mới khác biệt so với chương trình cũ. Một trong những điểm khác chính là chương trình mới đã giảm tải thời lượng tiết học ở mỗi môn học, tăng kiến thức, kỹ năng thực hành cho học sinh.
Ở môn Tiếng Việt, nếu như chương trình trước đây cho học sinh học trước bảng chữ cái Tiếng Việt sau đó mới thực hành ghép vần, thì ở chương trình mới học sinh sẽ tiến hành ghép vần ngay mỗi đơn vị bài học. Đây có thể là điểm khó cho học sinh lớp 1 khi bắt đầu làm quen với chữ cái Tiếng Việt. Nhưng cái hay của các bộ sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới là hệ thống kênh hình rất đẹp và phong phú, gần gũi với cuộc sống, học sinh rất dễ liên tưởng và tiếp thu bài học một cách tốt nhất.
Có thể nói, để có một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh như hôm nay đó là cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng đồng trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức mà người đứng mũi chịu sào không ai khác chính là Bộ GD-ĐT. Trong lịch sử giáo dục nước ta đã có rất nhiều lần thay sách giáo khoa; tuy nhiên, việc thay đổi chương trình lần này không chỉ đơn thuần là thay sách, mà còn là cơ hội để thay đổi phương pháp sư phạm của giáo viên. Sẽ qua rồi cái thời thầy đọc trò chép mà thay vào đó là việc phát huy các kỹ năng, tố chất của học sinh. Như vậy, các bộ sách giáo khoa lớp 1 được thực hiện trong năm nay đã đáp ứng được yêu cầu căn bản của lần đổi mới này.
Thực tế trong hơn một tháng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm sao hướng dẫn học sinh tiếp thu chương trình giáo dục phổ thông mới để lĩnh hội kiến thức chứ mọi người không nên mãi than khó. Điều quan trọng là trong quá trình áp dụng nếu vướng mắc điểm nào thì tìm giải pháp tháo gỡ điểm đó.
Người giúp học sinh gỡ khó vào thời điểm này không ai khác chính là nhà trường và phụ huynh. Ở trường học, người nắm rõ quá trình học tập của học sinh nhất vẫn là giáo viên. Chính vì vậy, trong quá trình giảng bài, giáo viên cần sâu sát từng học sinh, có giải pháp truyền đạt bài học tốt nhất để cho học sinh dễ hiểu. Với những học sinh có năng lực thì giáo viên sẽ kích thích tư duy, phát triển kỹ năng cho các em.
Còn với những học sinh yếu, hạn chế về năng lực thì giáo viên sẽ kèm cặp, dạy những căn bản nhất. Với lãnh đạo các trường, cần theo dõi chặt chẽ tình hình từng lớp học để có những điều chỉnh phù hợp, bởi Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự cân đối chương trình trong từng học kỳ.
Ở nhà, phụ huynh hãy là người thông thái, tận tình chỉ bảo cho con học. Để có thể hướng dẫn con học, trước nhất phụ huynh nên trao đổi với giáo viên đứng lớp để có những hướng dẫn cụ thể nhằm dạy con học tốt hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên quá nóng vội mà ép con học thêm, bởi như thế sẽ vô hình trung gây áp lực nặng nề cho trẻ.
Giai đoạn lớp 1 được xem là tiền đề vô cùng quan trọng cho các bậc học sau. Việc khởi động chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời điểm hiện nay là phù hợp chung với xu thế của toàn xã hội. Do đó, để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới rất cần sự chung tay, hiệp lòng của tất cả mọi người mà đặc biệt là nhà trường và phụ huynh.
TRÚC GIANG
.