An toàn cho học sinh đặt lên hàng đầu
Thời gian qua, bên cạnh công tác giáo dục, thì việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các trường bán trú đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương. |
AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT
Năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, một số bệnh ở trẻ nhỏ và ở độ tuổi học sinh vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn cao như: Tay chân miệng, tiêu chảy, bạch hầu, sốt xuất huyết… Tỉnh Tiền Giang hiện có số lượng trường bán trú khá lớn, chủ yếu ở khối mầm non và tiểu học, chính vì vậy công tác đảm bảo ATVSTP được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 193 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, trong đó có 136 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 14 bếp ăn trong cơ sở mầm non tư thục với trên 80% trẻ mầm non bán trú, 41 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường trung học cơ sở và 1 bếp ăn tại trường trung học phổ thông.
Để đảm bảo công tác ATVSTP, các Phòng GD-ĐT đã tập huấn cho đội ngũ phục vụ công tác bán trú chuyên đề “Thiết kế xây dựng khẩu phần ăn”, “Sắp xếp bếp ăn theo quy trình bếp một chiều”, hướng dẫn các biểu mẫu hồ sơ phục vụ chế biến theo hướng dẫn của Chi cục ATVSTP.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở giáo dục có bán trú đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất, tinh thần và thực hiện phòng, chống suy dinh dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; đồng thời, phối hợp với ngành Y tế trong việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ hằng năm theo quy định…
3 vấn đề chính được các trường tổ chức bán trú quan tâm, đó là: Thứ nhất, nhà trường phải ký hợp đồng mua thực phẩm theo đúng quy định đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm rõ nguồn gốc, an toàn cho trẻ. Thứ hai là, chủ cơ sở cung ứng phải có giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP do Chi cục ATVSTP tỉnh cấp; và cuối cùng là, nhà trường thường xuyên kiểm tra việc tiếp nhận thực phẩm và được ký nhận thực phẩm tay ba đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) Tô Thị Bảy cho biết, trường có khoảng 1.000 học sinh thực hiện bán trú. Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng và bảo mẫu của trường trên 30 người. Nhà trường quán triệt đến tất cả nhân viên phải đặt sức khỏe của học sinh lên hàng đầu, được tập thể nhân viên khu vực nhà bếp thực hiện nghiêm ngặt từ khâu đầu vào cho đến quy trình chế biến món ăn. Bên cạnh đó, trường còn thiết lập hệ thống camera giám sát, theo dõi toàn bộ quy trình chế biến thức ăn ở khu vực nhà bếp.
TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, KIỂM TRA
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, trong mỗi đầu năm học, đặc biệt là trong các cuộc họp hiệu trưởng các trường, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo và yêu cầu các trường thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo ATVSTP, nhất là trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Các trường tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ký hợp đồng chế biến thức ăn có sẵn không đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh, bếp ăn phải thực hiện theo quy trình một chiều... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thông qua các kênh hình ảnh, phát thanh, trong các cuộc họp phải được thực hiện thường xuyên để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của công tác này.
“Đối với các trường mầm non, ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATVSTP, giáo viên cũng cần đặc biệt lưu ý các biểu hiện bất thường trên cơ thể bé, để khi “có vấn đề” xảy ra thì xử lý kịp thời và báo cho phụ huynh... Một điều cần lưu ý là, ngành sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở bán trú trong năm học” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng nhấn mạnh.
Trưởng phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng cho biết, Mỹ Tho là một trong những địa phương có số lượng trường bán trú khá đông. Hiện 100% bếp ăn của các trường có tổ chức bán trú đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP và cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Bên cạnh đó, hằng năm học các trường đều cử giáo viên, nhân viên dự các lớp tập huấn về ATVSTP và quy trình chế biến thức ăn. Đồng thời, các ngành chức năng của thành phố còn tiến hành kiểm tra định kỳ 2 lần/năm về ATVSTP tại các trường có tổ chức bán trú; đồng thời, tổ chức thường xuyên các cuộc kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP.
Đ. PHI