.

Thí sinh cần có tầm nhìn dài hạn trong chọn ngành nghề

Cập nhật: 22:21, 12/10/2020 (GMT+7)

Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh năm 2020 đã đi được gần một nửa chặng đường. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), về công tác tuyển sinh năm nay.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy

* PHÓNG VIÊN: Nhìn lại công tác xét tuyển đợt 1, bà có đánh giá gì về điểm trúng tuyển đại học năm nay?

 - PGS-TS NGUYỄN THU THỦY: Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp và do tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT (việc ra đề thi tốt nghiệp THPT phải giảm tải), bên cạnh đó, các trường cũng đã dành chỉ tiêu xét tuyển nhiều hơn bằng các phương thức khác không sử dụng kết quả thi THPT, do đó điểm trúng tuyển đại học cao hơn năm 2019, tùy theo từng ngành, từng trường và cả theo các vùng miền.

Theo dữ liệu trên hệ thống, trong đợt xét tuyển bằng kết quả thi THPT đợt 1 vừa qua, đã có hơn 50% đơn vị, cơ sở đào tạo tuyển đủ chỉ tiêu (tuy nhiên kết quả nhập học chính thức vẫn còn chờ cập nhật.

* Năm nay nhiều thí sinh được điểm cao, thậm chí rất cao (9 điểm/môn) nhưng vẫn không trúng tuyển trong đợt xét tuyển lọc ảo nguyện vọng 1. Bà đánh giá thế nào về cơ hội cho các thí sinh này, các em liệu có khả năng trúng tuyển trong đợt tuyển bổ sung?

 - Phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT đợt 1 cho phép các thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng xét tuyển, như vậy đã tạo điều kiện tối đa để các em thêm nhiều cơ hội bước chân vào trường đại học. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 hoặc rất ít nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn.

Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

Hiện còn khá nhiều trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng mức độ thừa thiếu giữa các ngành của các trường là khác nhau. Đặc biệt, thí sinh cũng có thể tham gia xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các hình thức đào tạo khác hoặc các trình độ khác. Các em cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

* Thời gian qua, một số cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh chưa đảm bảo đúng quy định. Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?

 - Ngày 8-10, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh đúng quy định. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu vi phạm để xử lý.

Bộ GD-ĐT đã nhắc nhở các trường hợp vi phạm, yêu cầu thông tin xét tuyển bổ sung phải đảm bảo đúng quy định hiện hành, công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội. Trong đó, các trường cần công khai đầy đủ thông tin về thời hạn và điểm nhận hồ sơ; điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Cơ sở đào tạo chỉ được thực hiện xét tuyển sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhằm đảm bảo công bằng, lấy kết quả từ cao xuống thấp và không vượt quá chỉ tiêu đã xác định. Thời gian xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thực hiện sau ngày 14-10.

* Các chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá thực dụng. Đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào. Nhận định của bà về vấn đề này?

 - Vài năm gần đây, thí sinh đang có xu hướng tập trung lựa chọn thi vào các ngành “thời thượng” như: kinh tế, tài chính, báo chí, công nghệ thông tin, luật... Điều đó là một phần nguyên nhân khiến các ngành như: Du lịch, lâm nghiệp, xây dựng, môi trường, giao thông… gặp phải khó khăn về nguồn tuyển. Thực tế đó đặt ra cho các khối trường/ngành này bài toán cần có chiến lược và chính sách nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học, đảm bảo cân đối cơ cấu ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho tương lai phát triển bền vững.

Nhu cầu nhân lực của các ngành sau 4 - 5 năm sẽ có thay đổi so với thời điểm các em nhập học. Do vậy, thí sinh cần có tầm nhìn dài hạn trong lựa chọn ngành nghề, phù hợp với năng lực và đam mê của mình, chứ không nên chạy đua và thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào phút chót chỉ vì ngành này đang được ưa chuộng theo trào lưu và có xu hướng điểm trúng tuyển tăng cao.

* Xin cảm ơn bà!

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.