Thứ Sáu, 20/11/2020, 15:52 (GMT+7)
.

Giáo viên trẻ tâm huyết với nghề

Năng động, sáng tạo, nhanh chóng tiếp thu cái mới, đổi mới trong dạy và học… Đó là những  điểm chung của những bạn trẻ chọn nghề giáo. Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy lắng nghe tâm sự của những giáo viên trẻ.

* THẦY NGÔ TÙNG HIẾU, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (TP. MỸ THO, TỈNH TIỀN GIANG):

Hãy là người bạn của học sinh

Là giáo viên trẻ mới về công tác tại trường khoảng gần 2 năm, thầy Hiếu được  lãnh đạo nhà trường phân công giảng dạy bộ môn Toán lớp 10 và lớp 11. Ngay từ nhỏ, thầy Hiếu rất thích nghề giáo và mơ ước được đứng trên bục giảng.

Thầy rất hạnh phúc khi ước mơ của mình thành hiện thực với nghề “đưa đò”, nhìn thấy học trò học giỏi, trưởng thành. Thầy Hiếu cho rằng, đó chính là động lực để những giáo viên trẻ như thầy bám trụ, phấn đấu với nghề.

Thầy Hiếu chia sẻ, với giáo viên trẻ yếu tố đầu tiên là phải tâm huyết. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, người thầy còn phải là người bạn của học sinh,  có nghĩa là phải tâm lý, hiểu và chia sẻ với học trò của mình để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hiểu các em nhiều hơn.

* CÔ NGUYỄN NGỌC YẾN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG MẦM NON LÊ THỊ HỒNG GẤM (TP. MỸ THO):

Làm hết việc chứ không hết giờ

Yêu thích nghề nuôi dạy trẻ từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non, Trường Đại học Tiền Giang vào năm 2013, cô Yến về công tác tại Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm.

Theo chia sẻ của cô Yến, những ai đã chọn nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non thì ngoài sự tâm huyết, người giáo viên cần phải có tình yêu thương thực sự đối với trẻ. Bởi áp lực của giáo viên mầm non là vô cùng lớn.

Một ngày của giáo viên mầm non với biết bao công việc không tên như dạy học, cho trẻ ăn, uống, vệ sinh cho trẻ… chưa kể đến làm đồ dùng dạy học, các loại hồ sơ sổ sách.

Những ai đã chọn làm giáo viên mầm non là phải biết hy sinh, bởi chuyện đi sớm về trễ hay đối diện với những định kiến của công việc là bình thường… Trong công việc, mọi lúc, mọi thời gian, giáo viên mầm non phải làm mới chính mình để tạo cho trẻ sự hứng thú trong chơi đùa và học tập.

* CÔ LƯƠNG THỊ BIỂN, TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI TRƯỜNG TIỂU HỌC HUỲNH VĂN PHÈN
(HUYỆN GÒ CÔNG TÂY, TỈNH TIỀN GIANG):

Cần năng nổ trong các phong trào

Từ miền Bắc, cô Biển và chồng đến lập nghiệp tại xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây. Năm 2014, cô Biển trúng tuyển viên chức vào Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn dạy giáo dục thể chất. 6 năm gắn bó với trường, cô Biển luôn cố gắng phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo cô Biển, đa phần học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, hơn ai hết, đặc biệt là với giáo viên trẻ mới về trường cần phải thấu hiểu, tìm hiểu rõ từng hoàn cảnh học sinh để có thể giúp đỡ các em trong việc học tập.

Bên cạnh đó, người giáo viên cần năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào của trường, của lớp. Có những hoạt động của trường như diễn văn nghệ, trung thu, cắm trại… bắt buộc giáo viên phải hy sinh việc gia đình để có thể tham gia chu toàn cùng học sinh.

Đ.P.C (lược ghi)

.
.
.