.

Nâng chất đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Cập nhật: 13:05, 16/11/2020 (GMT+7)
 

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn, nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao, đổi mới chất lượng GD&ĐT. Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020), nói về công tác quản lý, nâng chất cán bộ nhà giáo tỉnh nhà, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết:

Sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể nhận xét khái quát về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay?

 
Những định hướng nhằm tiếp tục nâng chất GD&ĐT, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Tiền Giang, cụ thể: Tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD&ĐT, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học. Nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng chất GD&ĐT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, phát huy tốt các nguồn lực…
 
TRÍCH PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG TRÍ TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025.

* Đồng chí Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình đổi mới. Toàn ngành có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó có 18.529 giáo viên và 1.044 nhân viên. Bậc học mầm non có 98,4% giáo viên đạt chuẩn và 75,4% trên chuẩn. Giáo dục phổ thông có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn của các cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt 83,3%, 51,6% và 12,2%. Toàn ngành GD&ĐT hiện có 3 tiến sĩ, 341 thạc sĩ, 9.565 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà có ý thức chính trị sâu sắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Nhiều giáo viên đã nỗ lực sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đã không ngại vượt khó, bám trường, bám lớp để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

* PV: Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực trạng đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà còn tồn tại những khó khăn nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Trước những yêu cầu đổi mới của ngành GD&ĐT, đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Năng lực một bộ phận cán bộ quản lý nhà trường còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, một số nhà giáo còn hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy. Tình hình thiếu giáo viên, chính sách về lương và đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện nay. Tình hình cơ sở vật chất ở một số nơi còn khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy của giáo viên...

* PV: Theo đồng chí, vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay có gì khác so với trước đây, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành GD&ĐT đang thực hiện đổi mới?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Nếu như trước đây xã hội biết đến người thầy với vai trò là người truyền đạt tri thức, thì hiện nay người thầy được biết đến với vai trò, trọng trách to lớn lơn. Theo đó, trong xã hội hiện nay khi nhiều người vẫn thường gọi “thời đại 4.0”, đòi hỏi người thầy không chỉ dạy chữ, truyền đạt tri thức, mà phải biết quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu học trò bằng cả trái tim, lòng bao dung, biết khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh.

Giáo viên và học sinh trao đổi ngoài giờ (ảnh chụp tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang. Ảnh: PHI CÔNG
Giáo viên và học sinh trao đổi ngoài giờ (ảnh chụp tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang. Ảnh: PHI CÔNG

Đứng trước bối cảnh của đổi mới giáo dục, đặc biệt trước mắt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc truyền thụ tri thức của người thầy không còn là việc truyền dạy “một chiều” như trước, mà phải chủ động, hỗ trợ, dẫn dắt, truyền dạy kỹ năng cho học sinh, nghĩa là hướng đến yêu cầu thực hành chứ không phải lý thuyết suông như trước đây. Bên cạnh đó, người thầy không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Thiết nghĩ, vấn đề xuyên suốt đi theo cuộc đời của những ai đã chọn nghề giáo là phải gương mẫu ngay trong cả lời nói và hành động.

* PV: Để tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà “vừa hồng vừa chuyên”, ngành GD&ĐT tỉnh đã có những giải pháp nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm của ngành GD&ĐT. Theo đó, ngành đã thực hiện một số giải pháp quan trọng: Thứ nhất, từng bước xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục năm 2019. Phát huy vai trò của Hội đồng trường đối với việc quyết định phương hướng hoạt động của nhà trường; huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho các trường; gắn trường học với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Thứ hai, ngành GD&ĐT xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở quy hoạch và đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý giáo dục; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của ngành. Tổ chức xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Thứ ba, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo được tiếp cận các phương pháp dạy học mới nhằm đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng chất giáo dục.

Và cuối cùng, toàn ngành tổ chức rà soát, thực hiện đào tạo và đào tạo lại, nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học theo quy định Luật Giáo dục năm 2019 nhằm nâng chất dạy và học trong toàn ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị giáo dục, phát huy vai trò người đứng đầu của mỗi đơn vị.

* PV: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, đồng chí có điều gì gửi đến đội ngũ thầy cô giáo tỉnh nhà?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020), tôi mong rằng đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình hơn nữa. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Tôi thân ái gửi lời chúc đến quý thầy cô giáo và cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, đặc biệt là sẽ có nhiều tâm huyết, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, cùng với toàn ngành GD&ĐT đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển ở tầm cao mới.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀNG PHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.