.

Tạo động lực cho giáo viên mầm non gắn bó với nghề

Cập nhật: 16:45, 03/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Bậc học mầm non được xem là rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Mặc dù thời gian qua, các cấp lãnh đạo đã có sự quan tâm, chăm lo nhưng bậc học này hiện cũng gặp một số khó khăn nhất định. Mới đây, Nghị định 105 ban hành ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1-11 bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non… đã góp phần tạo thêm động lực để giáo viên gắn bó với nghề.

Đối với nghề giáo thì khó có thể nói được dạy lớp nào sẽ sướng mà dạy lớp nào sẽ cực mà với thầy cô giáo, sự nghiệp trồng người như đã ăn sâu vào máu thịt. Với mỗi cấp học khác nhau thì tính chất công việc cũng như đặc điểm về tâm sinh lý của học sinh cũng khác nhau. Nếu như đối với bậc học phổ thông thì trách nhiệm của giáo viên sẽ nặng về truyền đạt kiến thức; còn đối với giáo viên mầm non thì công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ được xem là vấn đề khá quan trọng. Một ngày của giáo viên mầm non phải đối mặt với rất nhiều việc từ đón trẻ lúc sáng sớm cho đến dạy trẻ, cho trẻ ăn, vệ sinh cho trẻ, đó là chưa kể đến các việc khác như dỗ dành khi trẻ khóc, ru trẻ ngủ…

 Ngành giáo dục cần có cái nhìn và giải pháp lâu dài cho bậc học mầm non
Giáo viên Trường Mầm non Bông Sen trong giờ dạy trẻ.

Nhiều người cho rằng, làm nghề dạy học mầm non thì các cô giáo làm hết việc chứ không hết giờ, bởi nếu ai có suy nghĩ ngược lại chắc chắn sẽ không trụ được với nghề. Trung bình mỗi giáo viên mầm non phải dành 10 giờ/ngày để thực hiện các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và làm nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp. Ngoài ra, giáo viên phải thường xuyên tham gia các hoạt động khác, trung bình mỗi giáo viên cần thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ, chuẩn bị kế hoạch giáo dục. Thực tế 1 tuần, một giáo viên mầm non dạy vượt quy định 10 giờ (10 tiết), 1 tháng vượt 40 giờ (40 tiết).

Áp lực công việc của giáo viên mầm non là rất lớn nhưng chế độ dành cho họ là khá khiêm tốn. Lương của một giáo viên mầm non mới ra trường nếu tính luôn cả phần phụ cấp nghề nghiệp thì vẫn chưa tới 3 triệu đồng. Trong khi đó, giáo viên phải quán xuyến đủ mọi thứ từ cuộc sống gia đình đến các mối quan hệ xã hội. Do khó khăn vất vả nên có không ít giáo viên mầm non phải bỏ nghề. Chính vì vậy, tình trạng thiếu giáo viên mầm non luôn là vấn đề nan giải.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có 170 trường mầm non công lập, có 1.507 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo. Theo quy định tại Thông tư 06 với tổng số nhóm, lớp trên thì cần phải có 3.384 giáo viên mầm non, nhưng hiện tỉnh Tiền Giang chỉ có 2.389 giáo viên mầm non.

Chính thiếu giáo viên mầm non mà tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở Tiền Giang, đặc biệt là ở độ tuổi nhà trẻ là không cao. Trong khi đó, cơ sở vật chất dành cho bậc học mầm non hiện nay được xây dựng rất khang trang, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ. 

Thấy được những khó khăn trên, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị Phòng GD-ĐT thực hiện tốt công tác tuyển dụng giáo viên mầm non cũng như có những quan tâm đối với công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ  giáo viên. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập về tiền ăn, xăng xe với tổng kinh phí trên 33,7 tỷ đồng/năm học.

Và mới đây, Nghị định 105 ban hành ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 sẽ góp phần tạo thêm động lực để giáo viên mầm non gắn bó với nghề.

Theo đó, có điểm mới đáng lưu ý ở Nghị định này là đối với các giáo viên mầm non làm việc gần địa bàn khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ 800.000/tháng cũng như nhiều chính sách khác hỗ trợ giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng, biển, hải đảo còn khó khăn.

Nghị định 105 ban hành là rất kịp thời. Khi các chính sách này được triển khai sẽ góp phần không nhỏ để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc của bậc học mầm non.

NGUYỆT PHƯƠNG

.
.
.