Thứ Tư, 04/11/2020, 09:37 (GMT+7)
.

Từ xét tuyển đại học học nhìn lại việc lựa chọn nghề nghiệp

(ABO) Mùa tuyển sinh năm 2020 đang dần bước vào giai đoạn kết thúc. Nhìn vào bối cảnh chung của những mùa tuyển sinh gần đây có thể thấy mẫu số chung là đa phần học sinh có xu hướng lựa chọn các ngành nghề đang "hot".

Nhiều ngành nghề có điểm chuẩn cao chót vót qua rất nhiều năm như: Báo chí, Luật, Công an, Quản trị kinh doanh... vẫn là sự lựa chọn của nhiều học sinh. Trong khi đó, nhiều ngành nghề xã hội cũng đang rất cần nhưng lại khan hiếm về nguồn tuyển như: Quản trị nguồn nhân lực, môi trường, lâm nghiệp... Điều này cho thấy, học sinh chọn ngành nghề không chỉ vì yêu thích mà cần có tầm nhìn chiến lược trong việc chọn ngành nghề.

Nhờ thực hiện công tác tư  vấn tuyển sinh, học sinh đã có cái nhìn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
Nhờ thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh, học sinh đã có nhận thức đúng đắn hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

Mùa tuyển sinh năm 2020 đã phải chứng kiến rất nhiều trường hợp thí sinh có điểm thi rất cao nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng 1. Nếu chú ý quan sát thật kỹ thì không phải tất cả các ngành tuyển sinh đều có điểm chuẩn cao mà mặt bằng điểm đa phần ở các ngành đều được đánh giá là vừa phải. Quay lại câu chuyện chọn nghề, có thể thấy, dù được tư vấn rất kỹ nhưng học sinh vẫn chọn ngành nghề theo cảm tính, chạy theo số đông. Công thức chung của việc lựa chọn nghề nghiệp dành cho học sinh cuối cấp hiện nay là dung hòa giữa hai yếu tố, nghề nghiệp yêu thích và phù hợp hoàn cảnh gia đình.

Ngưỡng cửa lớp 12 được xem là bước ngoặt cuộc đời của rất nhiều học sinh. Bởi đây được xem là bàn đạp trong việc lựa chọn nghề nghiệp để đưa các em vào đời sau này. Thành công hay thất bại, tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của các em ở giai đoạn này.

Công tác tư vấn tuyển sinh về lựa chọn nghề nghiệp trong những năm qua đã được tổ chức triển khai ở hầu hết các trường. Nhờ có công tác tư vấn tuyển sinh mà học sinh từ thành thị cho đến nông thôn đều hình dung, phát họa được các ngành nghề mà bản thân sẽ lựa chọn.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, công tác tư vấn tuyển sinh có thực hiện nhưng việc triển khai sâu rộng ở các địa phương chưa nhiều, chưa thật sự đi sâu vào từng đối tượng học sinh. Nhiều trường thực hiện công tác này còn hình thức, chỉ làm cho có hay để báo cáo thành tích; từ đó, không ít học sinh có cái nhìn thiển cận về lựa chọn nghề nghiệp, dẫn đến tâm lý chọn ngành nghề theo đám đông.

Nhìn sang các tỉnh bạn như Bến Tre, Long An có thể thấy, việc hướng nghiệp cho học sinh đã được định hướng ngay những năm học THCS. Việc định hướng ở cấp học này chủ yếu là phát thảo sơ lược về các ngành nghề hiện nay cũng như triển vọng, nhu cầu việc làm. Sang đến cấp THPT, học sinh sẽ được tìm hiểu chuyên sâu hơn về các ngành nghề mà các em yêu thích; triển vọng, cơ hội nghề nghiệp, khả năng thất nghiệp có xảy ra hay không... Đến năm lớp 12, ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời thì học sinh đã có câu trả lời của việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

Một yếu tố ảnh hưởng không kém đến việc lựa chọn ngành nghề của học sinh hiện nay là tâm lý muốn vào đại học của bản thân và đa phần phụ huynh. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến sự thành công mà thực tế có nhiều người không học đại học nhưng họ vẫn thành công và có địa vị trong xã hội.

Bởi, thị trường lao động hiện nay đang xuất hiện tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Không ít cơ quan, công ty, doanh nghiệp hiện tuyển dụng không dựa vào bằng cấp, mà điều quan trọng họ cần ở người lao động chính là kỹ năng, thái độ làm việc, đôi khi có tay nghề cũng là một lợi thế. Thực tế cũng đã chứng minh có rất nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường đi làm, va chạm thực tế với nghề nghiệp lại phải đưa đi đào tạo lại.

Bước sang thời đại công nghiệp 4.0 với nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức đặt ra. Do đó, việc lựa chọn nghề nghiệp ngoài hai yếu tố ngành nghề yêu thích và phù hợp với hoàn cảnh gia đình thì cũng cần tính tới yếu tố phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần. Câu chuyện ra trường có kiếm được việc làm hay không tất cả điều phụ thuộc vào nội tại của mỗi người. Ngoài kiến thức được trang bị từ giảng trường đại học thì hiện nay thị trường lao động đang đòi hỏi rất nhiều ở kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của người lao động.

Câu chuyện tuyển sinh đại học, cao đẳng mỗi năm sẽ có những gam màu khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là chuyện lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Thành công hay thất bại vẫn còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá và quan sát của mỗi người; do đó, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, đặc biệt là trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

TRÚC GIANG



 

.
.
Liên kết hữu ích
.