Thứ Tư, 09/12/2020, 16:16 (GMT+7)
.

Tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia

Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là thông điệp được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra cùng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế tại Hội thảo Chuyển đổi số trong GD&ĐT diễn ra sáng 9-12.   

Nhiệm vụ đột phá trong những năm tới

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác định: “Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD&ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành GD&ĐT xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai, đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt chuyển đổi số, ngành GD&ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.     

Hai Bộ trưởng ký cam kết tại Hội thảo. Ảnh: Lê Vân
Hai Bộ trưởng ký cam kết tại Hội thảo. Ảnh: Lê Vân

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Bộ GD&ĐT đã thống nhất rất cao với Bộ Thông tin và Truyền Thông, các bộ ngành liên quan cũng như các tập đoàn công nghệ. Chúng ta làm tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng GD&ĐT mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động; tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế”.      

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Từ một số ít trường năm 2007, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai đào tạo tín chỉ. Hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn lớp học và mỗi sinh viên một kế hoạch học tập, thời khóa biểu, một lịch thi… trên nền tảng công nghệ số”.      

Trước đó, ngành Giáo dục đã cùng ngành Thông tin và Truyền thông và các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả tích cực. Dịch COVID-19 tạo áp lực nhưng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả của việc dạy học trực tuyến trong dịp COVID-19 được đánh giá tốt.      

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… Đây có thể coi là bước tiến, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ sở dữ liệu này cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao. Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất thì công cuộc học tập nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời mọi người sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại đã tạo cơ hội cho mọi người hỗ trợ, chia sẻ thông tin rất tốt. Rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, thiết bị, mô phỏng rất nhanh, hiệu quả, kết nối không chỉ trong nước và toàn cầu.    

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Những việc về công nghệ số, xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD&ĐT đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm, hãy giao cho chúng tôi trong 1 năm; bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cái cũ”.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ GD&ĐT; đồng thời cho rằng, ngành GD&ĐT có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng đó là các platform, không chỉ thực thi hiệu quả mà còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.    

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra: “Mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục là nâng cao chất lượng GD&ĐT nhưng giảm tải cho giáo viên. Là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Giáo viên sẽ tập trung tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng số”.      

Cần có lộ trình rõ ràng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng vấn đề chuyển đổi số trong GD&ĐT cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Trước hết, phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GD&ĐT, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó để hoạt động được nhanh, hiệu quả, nhanh. Trên cơ sở nền tảng thống nhất đó, ngành giáo dục rất cần cơ sở dữ liệu”.    

 “Chúng ta muốn đi xa, đi một cách chắc chắn thì phải có trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp bậc học. Hiệu quả kết nối, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu chúng ta phải rà soát, xây dựng chuẩn kỹ năng số cho các cấp bậc. Vừa rồi họp Bộ trưởng các nước ASEAN đã rất thống nhất nội dung này. Việt Nam là một trong những nước hàng đầu tiên phong trong việc chuẩn hoá các kỹ năng chuyển đổi số”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.    

 Để chuyển đổi số trong GD&ĐT có những lộ trình, bước đi chắc chắn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kiến nghị: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2021 – 2025; Văn phòng Chính phủ hỗ trợ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, đề án, dự án; hỗ trợ kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với các tập đoàn, công ty công nghệ. Đồng thời, mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác xây dựng nền tảng dùng chung trong ngành Giáo dục và hợp tác với các cơ sở GD&ĐT trong đào tạo nguồn nhân lực.     

Còn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết: “Để thực hiện các nhiệm vụ vừa nêu, ngành GD&ĐT rất ý thức việc phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống, để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ GD&ĐT đã làm với một số đại học Việt Nam và nước ngoài để phát triển đội ngũ này. Gián tiếp thì chúng ta thực hiện tốt được các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản”.      

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng Việt Nam sẽ có những thế hệ tốt về kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, ngoại ngữ để tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới. Mục tiêu của ngành GD&ĐT là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD&ĐT, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ.   

 Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ trao giấy xác nhận đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo Quyết định số 1904/QĐ-BGDĐT ngày 4-7-2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.     

(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/tao-nguon-nhan-luc-cho-chuyen-doi-so-quoc-gia-20201209135418150.htm)
 

.
.
.