Thứ Tư, 23/12/2020, 17:45 (GMT+7)
.

Tiếp tục xây dựng 'hệ sinh thái' Toán học Việt Nam

Sáng 23-12, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Vấn đề xây dựng "hệ sinh thái" Toán học Việt Nam đã được đặt ra như một mục tiêu của giai đoạn trước mắt.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung nhận quà lưu niệm từ Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Nguyễn Nhung
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung nhận quà lưu niệm từ Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Nguyễn Nhung

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Chính phủ phê duyệt ngày 17-8-2010. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình; Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối Chương trình. Đây là một Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản. Chương trình đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN (xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010- 2020 và thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Chương trình cũng góp phần hình thành bước đầu “hệ sinh thái” về cộng đồng dạy học, nghiên cứu về Toán tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán có nhân lực ít nhưng đã nhanh chóng tạo lập được uy tín trong cộng đồng khoa học thế giới. Viện đã thu hút được số lượng đông đảo các nhà toán học quốc tế cũng như các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc, tham gia tổ chức các hoạt động khoa học.

Trong 10 năm qua, có 315 lượt nhà khoa học nước ngoài đến từ 27 nước, 76 lượt nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã đến Viện làm việc (chưa kể những người tham gia hội nghị, hội thảo khoa học); trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự tham gia trực tiếp của các nhà toán học quốc tế đã thực sự tác động mạnh đến các nhóm nghiên cứu trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò của Toán học trong thời kỳ chuyển đổi số và nhấn mạnh việc một số trường đại học củng cố hoặc mở mã ngành ứng dụng Toán trong đào tạo kỹ sư, cử nhân và bậc học cao hơn làm nền tảng cho chuyển đổi số, nhất là trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hình thành đội ngũ giáo viên giỏi toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống; tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với các nhà khoa học quốc tế có uy tín.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, phân tích thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; những thách thức và cơ hội mới, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cùng Hội Toán học Việt Nam, Tổ chuyên môn Ban điều hành Chương trình đã xây dựng đề xuất “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030” báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ. Ngày 22-12-2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng: "Điều cần hướng tới 10 năm tới là sự chuẩn bị đồng đều của chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam ổn định vị trí trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức. Đồng thời, đội ngũ Toán học phải cố gắng lớn hơn nữa; cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh toán học ứng dụng; duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều có ưu tiên đặc biệt với Toán học".

Cũng tại buổi lễ, GS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Cần tiếp tục xây dựng “hệ sinh thái” Toán học Việt Nam. Với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, nên xác định những chỉ số thực hiện để giám sát. Với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nên có chương trình hợp tác với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu 2 thành phố này sống động về Toán thì cả nước sẽ sống động”.
 

(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/tiep-tuc-xay-dung-he-sinh-thai-toan-hoc-viet-nam-20201223133050365.htm)

.
.
Liên kết hữu ích
.