8 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang năm 2020
Phát huy những kết quả đạt được của năm 2020, năm 2021 ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và của lãnh đạo địa phương.
Dù còn nhiều khó khăn nhất định, nhưng với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra của năm 2020, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Có thể khẳng định, với những thành tựu đạt được trong năm 2020 được xem là tiền đề vững chắc để toàn ngành có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo. Sau đây là 8 kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trong năm 2020.
1. Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2019 - 2020”. Ngoài ra, Sở
GD-ĐT cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác từ năm học 2010 - 2020 về công tác cải cách hành chính.
2. Tính đến cuối tháng 10-2020, toàn tỉnh có 307 trường đạt chuẩn Quốc gia, tương ứng từng bậc học như sau: Mầm non 94 trường, chiếm tỷ lệ 50,5%; tiểu học 132 trường, chiếm tỷ lệ 76,6%; trung học cơ sở 62 trường, chiếm tỷ lệ 50%; trung học phổ thông 19 trường, chiếm tỷ lệ 50%.
3. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch dạy học kết hợp với tổ chức dạy học trực tuyến, đã hoàn thành chương trình năm học 2019 - 2020 theo đúng kế hoạch đã được điều chỉnh.
4. Ngành GD-ĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kết quả, có 13.790/13.897 thí sinh đỗ tốt nghiệp (tỷ lệ 99,23%); điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Tiền Giang là 6,463, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020 - 2021 được tiến hành đảm bảo đúng tiến độ quy định, các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Qua kỳ thi đã tuyển được 16.505 thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 trên tổng số 18.142 thí sinh đăng ký dự thi (tỷ lệ 90,98%); so với số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở: Trúng tuyển 16.505/22.043 (tỷ lệ 74,88%).
5. Năm 2020 là năm đầu tiên toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở khối lớp 1, nhận được sự đồng tình, nhất trí cao từ dư luận xã hội. Về cơ sở vật chất, số phòng học phục vụ Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học toàn tỉnh hiện có 4.134 phòng học/4.097 lớp, bình quân tỷ lệ 1.01 phòng học/lớp. Đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên: Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 6.500 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học, đảm bảo số lượng giáo viên với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới.
6. Chương trình truyền hình “Đường đến vinh quang” do Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Viễn thông Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang tổ chức được đánh giá là sân chơi trí tuệ, bổ ích không chỉ dành cho học sinh các trường THPT trong tỉnh, mà còn nhận được sự tham gia của các trường THPT thuộc 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ. Tham gia chương trình, các thí sinh trải qua 4 vòng thi: Xuất phát, Ra khơi, Vượt sóng và Vinh quang. Thí sinh đoạt Vòng nguyệt quế của năm nhận phần thưởng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng và nhiều quà tặng có giá trị khác.
7. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Theo đó, tiếp tục thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 của cơ quan Sở
GD-ĐT; đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử trong ngành GD-ĐT; triển khai sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý ngành GD-ĐT (Mạng giáo dục Việt Nam -VnEdu), Hệ thống quản lý trường học (SMAS - School Management System) cho tất cả các trường trung học, trường tiểu học. Toàn ngành có 100% trường mầm non, phổ thông có nối mạng Internet; 172/172 đơn vị xã, phường, thị trấn ứng dụng phần mềm trong công tác phổ cập giáo dục…
8. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từng bước được nâng cao. Theo đó, 172/172 xã, phường, thị trấn và 11/11 đơn vị huyện, thị, thành của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 3/11 huyện, thành, thị đạt phổ cập giáo dục bậc THCS mức độ 1 (tỷ lệ 27,27%); có 8/11 huyện, thành, thị đạt phổ cập THCS mức độ 2 (tỷ lệ 72,73%).
MINH TÂM