.

Bỏ kỷ luật, tăng cường tư vấn, hỗ trợ học sinh

Cập nhật: 10:16, 04/01/2021 (GMT+7)

Trong năm học 2020 - 2021, bên cạnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã bỏ quy định kỷ luật học sinh (HS) không còn phù hợp. Đây được xem là luồng gió mới giúp HS khắc phục khuyết điểm, góp phần định hướng, giáo dục nhân cách, lối sống cho HS.

BỎ HÌNH THỨC KỶ LUẬT KHÔNG PHÙ HỢP

Có thể thấy, khi đến trường, ngoài việc học tập, HS còn phải tuân thủ tốt nội quy trường học. Căn cứ vào tình hình thực tế, kết hợp với các quy định của ngành GD&ĐT, các trường học sẽ ra nội quy phù hợp với đơn vị của mình. Nhìn trên bình diện chung, nội quy trường học tập trung vào 3 vấn đề chính bao gồm: Quy định, kỷ luật và khen thưởng.

Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT trước đây có 5 hình thức kỷ luật HS: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học 1 tuần lễ và đuổi học 1 năm. Nhiều hiệu trưởng các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, các hình thức kỷ luật trên của Thông tư 08 đã không còn phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay, bởi có thể gây tổn thương về mặt tâm sinh lý của HS, thậm chí còn khiến các em có hành động theo hướng xấu hơn.

Giáo viên thường xuyên quan tâm, gần gũi, yêu thương, giúp đỡ học trò của mình. (Ảnh chụp tại Trường  Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho).
Giáo viên thường xuyên quan tâm, gần gũi, yêu thương, giúp đỡ học trò của mình. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho).

Với quy định mới hiện nay, theo hướng dẫn Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT quy định về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông và Thông tư 28/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường tiểu học thì tùy theo mức độ vi phạm của HS, nhà trường và giáo viên sẽ có các hình thức xử lý linh hoạt như nhắc nhở, hỗ trợ HS tiến bộ hơn.

Trong đó, các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực như: Khuyên bảo, động viên, nhắc nhở, phê bình riêng HS có khuyết điểm; phối hợp với cha mẹ HS giáo dục, hỗ trợ HS sửa chữa khuyết điểm; tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm…

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Phước Nguyễn Tấn Minh cho rằng, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là nơi giáo dục đạo đức, tính cách cho HS. Với việc áp dụng quy định mới như hiện nay trong việc kỷ luật HS đã giúp các em nhìn lại chính mình và có cơ hội sửa sai. “HS ngày nay rất nhạy cảm. Các em bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, yếu tố bạo lực từ gia đình, xã hội…

Từ đó, các em chưa kịp điều chỉnh hành vi bản thân. Những trường hợp như vậy rất cần thầy cô uốn nắn, dạy bảo thay vì áp dụng các hình thức kỷ luật mạnh tay, vô hình chung những người làm công tác giáo dục lại đẩy các em vào khó khăn, bế tắc hơn” - đồng chí Nguyễn Tấn Minh cho biết thêm.

LÀM GÌ KHI HS VI PHẠM?

Khi xã hội phát triển thì HS ngày nay cũng khác hơn so với các thế hệ HS trước đây, bởi do tác động của nhiều yếu tố từ gia đình, xã hội, Internet… Do đó, đòi hỏi ngành GD&ĐT cần có sự đổi mới giáo dục và thay đổi hình thức kỷ luật HS.

Cô Huỳnh Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1, huyện Tân Phước cho rằng: “Sự nghiệp giáo dục hiện nay đang kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường gồm nhà trường, gia đình và xã hội. Vấn đề ở đây là không nên quá cứng nhắc với các hình thức kỷ luật HS, mà giáo viên phải có biện pháp uốn nắn, gần gũi, tâm sự, chia sẻ với HS như là một người bạn. Việc phê bình HS trước lớp, trước trường với đông người là hoàn toàn không nên, bởi như thế sẽ làm các em tự ti, mặc cảm, không chú tâm vào học tập và có thể bị bạn bè xa lánh.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Giang Lam, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang, xét về mặt tâm lý, khi HS phạm lỗi sẽ rất dè dặt, lo sợ. Nếu giáo viên không kịp thời định hướng, giúp đỡ thì có thể dẫn đến các em có những hành động xấu. Việc quy định các hình thức kỷ luật, khen thưởng mới đã góp phần thổi luồng gió mới cho ngành GD&ĐT.

Trong đó, nhiều hình thức có thể giúp HS nhận khuyết điểm như: Tổ chức tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm; yêu cầu HS thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được HS thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường…

P. PHƯƠNG

.
.
.