Để xã hội hóa giáo dục phát huy hiệu quả
Xã hội hóa giáo dục là một trong những chủ trương lớn được tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục; đồng thời, tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
KẾT QUẢ XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang, tính đến hết năm 2019, ở bậc giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 15 trường mầm non ngoài công lập gồm 139 lớp với 4.538 học sinh, chiếm tỷ lệ 8,3% học sinh mầm non huy động ra lớp. Giáo dục tiểu học toàn tỉnh có 1 trường tư thục gồm 4 lớp với 48 học sinh. Cấp THPT có 1 trường tư thục gồm 10 lớp với 371 học sinh, chiếm gần 1% học sinh THPT cả tỉnh. Trong giai đoạn 2008 - 2019, lĩnh vực giáo dục đã huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển giáo dục gần 72 tỷ đồng.
Nhóm Mầm non Bé Thông Minh (TP. Mỹ Tho), một trong những cơ sở mầm non tư thục của tỉnh Tiền Giang hoạt động hiệu quả. |
Hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang có 10 dự án trường học đang kêu gọi đầu tư gồm huyện Cái Bè 3 dự án; huyện Gò Công Tây, TX. Cai Lậy, mỗi địa phương 2 dự án; các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, mỗi huyện 1 dự án. Trong đó, có 4 dự án hiện đang được các nhà đầu tư quan tâm gồm: Dự án Trường Mầm non Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), tổng mức đầu tư 15,8 tỷ đồng; Dự án Trường Mầm non trung tâm TX. Cai Lậy, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng; Dự án Trường Mầm non Tân Hương tại Khu tái định cư xã Tân Hương, huyện Châu Thành với quy mô 1 trệt, 3 lầu, diện tích đất đầu tư 6.820 m2; Dự án Trường Mầm non Khu dân cư Long Thạnh Hưng (huyện Chợ Gạo), tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến mọi đối tượng, thành phần dân cư trong toàn xã hội. Đặc biệt, nhận thức về xã hội hóa giáo dục của các ngành, các cấp và cộng đồng từng bước được nâng lên, nhất là các cấp ủy, chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết: “Với bậc học mầm non, các trường ngoài công lập đã giúp các trường công lập giảm bớt áp lực về số lượng trẻ học. Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp đưa các cơ sở mầm non tư thục hoạt động theo đúng Điều lệ trường mầm non.
Để đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đúng theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Tiền Giang đã tiến hành khảo sát cơ sở vật chất; thường xuyên kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; phối hợp các trường mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chủ trường, nhóm, nhân viên, bảo mẫu… theo quy định của ngành”.
NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ
Bên cạnh những thuận lợi thì thời gian qua, xã hội hóa giáo dục của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, các dự án xã hội hóa giáo dục rất chậm, quy mô nhỏ. Hầu hết các dự án xã hội hóa giáo dục có mức đầu tư tương đối cao nhưng thời gian thu hồi vốn chậm nên ít được các nhà đầu tư quan tâm.
Hệ thống các trường, lớp mầm non ngoài công lập những năm qua được quy hoạch cho từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn dân cư nhưng không phát triển được do thiếu vốn. Các trường, lớp ngoài công lập chỉ tập trung đối với bậc học mầm non, THPT, còn các bậc học khác vẫn chưa có trường ngoài công lập, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo cho sự phát triển giáo dục...
Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho xã hội hóa giáo dục còn hạn hẹp, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kêu gọi xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh được ban hành và có hiệu lực thực hiện nhưng chưa thể triển khai áp dụng trong thực tế vì thiếu sự hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương tác động đến tâm lý nhà đầu tư về tính khả thi của chính sách.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, để thúc đẩy khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 và 2030, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT; chủ động với UBND cấp huyện rà soát, cập nhật bổ sung các dự án mới; đề xuất cắt bỏ các dự án trong thời gian dài không có nhà đầu tư quan tâm, không có tính khả thi.
Tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh đã được phê duyệt. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị xã và các nơi có điều kiện phát triển. Kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015 ngày 14-2-2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…
Đ.PHI