.

Giáo dục chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

Cập nhật: 19:24, 14/02/2021 (GMT+7)

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới.
 

Giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác nghiên cứu khoa học
Giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác nghiên cứu khoa học.

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đánh giá, trong 7 năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được nâng lên, giúp nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Để đạt được điều trên, trong công tác quản lý, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hợp tác và đầu tư với nước ngoài, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, đồng thời, triển khai 6 dịch vụ công mức độ 3 và 4 về công tác tuyển sinh, quản lý du học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài bằng học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2013-2016, đã có 68 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết; Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GD-ĐT đã chủ trì đàm phán, ký kết 75 thỏa thuận và điều ước quốc tế cấp Chính phủ và cấp Bộ. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, ký kết được 21 văn bản hợp tác quốc tế (gồm 6 văn bản cấp Chính phủ, 15 văn bản cấp Bộ) và ký kết thỏa thuận về công nhận văn bằng để thúc đẩy việc dịch chuyển sinh viên với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Hiệp định về trường đại học Việt-Đức, Hiệp định về việc giảng dạy tiếng Anh theo chương trình hòa bình; Công hàm trao đổi về Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực với Nhật Bản; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Armenia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Latvia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục; Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp về việc phát triển CFVG giai đoạn 2019-2023.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị thường niên cán bộ chủ chốt mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng (AUN-QA)
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị thường niên cán bộ chủ chốt mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng (AUN-QA)

Cũng trong năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị để kết nối hợp tác giữa các chuyên gia giáo dục, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác và đầu tư, nâng cao chất lượng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Diễn đàn toàn cầu của UNESCO về giáo dục vì Phát triển bền vững và Công dân toàn cầu tại, triển lãm giáo dục Việt Nam tại Lào; Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Liên bang Nga, Hội nghị Giáo dục Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc), Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập các chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Đại sứ quán Nga tại Việt Nam trao tặng Huy chương hữu nghị của Trung ương Hội hữu nghị Liên bang Nga-Việt Nam cho Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trong dịp kỷ niệm 70 năm hợp tác Việt-Nga về giáo dục và khoa học.
Đại sứ quán Nga tại Việt Nam trao tặng Huy chương hữu nghị của Trung ương Hội hữu nghị Liên bang Nga-Việt Nam cho Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trong dịp kỷ niệm 70 năm hợp tác Việt-Nga về giáo dục và khoa học.

Theo Bộ GD-ĐT, các điều ước, thoả thuận hợp tác về giáo dục giữa Bộ GD-ĐT và các đối tác đều đã được các bên chủ động xúc tiến, thực hiện cam kết một cách có hiệu quả, thiết thực. Tính đến nay, cả nước có tổng số 455 dự án FDI của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước cũng đã đem lại hàng ngàn học bổng hằng năm cho công dân Việt Nam đi học tập tại nước ngoài. Hiện có 19 nước cấp học bổng Hiệp định cho Việt Nam, trong đó, có nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại. Số lượng học bổng do chính phủ nước ngoài cấp cho Chính phủ Việt Nam đã tăng từ khoảng 400 học bổng/năm (năm 2013) lên 1.400 học bổng/năm (năm 2019).

Bộ GD-ĐT triển khai một cách hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục qua việc tuyển chọn, cử du học sinh Việt Nam đi học tập ở nước ngoài và tiếp nhận du học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trực tiếp quản lý 6.067 du học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng hiệp định, đề án của Chính phủ (chiếm 4% trong tổng số 192.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài).
 

PGS,TS Nantana Gajaseni (ngoài cùng bên phải ảnh) - Quyền Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, nguyên Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp trường của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cho Trường đại học Khoa học Tự nhiên vào năm 2017.
PGS,TS Nantana Gajaseni (ngoài cùng bên phải ảnh) - Quyền Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, nguyên Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp trường của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cho Trường đại học Khoa học Tự nhiên vào năm 2017.

Việt Nam hiện cũng đang trở thành điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn, với những ưu điểm về chất lượng giáo dục liên tục được nâng lên, chi phí học tập, sinh hoạt hấp dẫn, môi trường sống an toàn. Đến năm học 2019 - 2020 đã có hơn 21.000 du học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới học tập tại Việt Nam, trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.

Các cơ sở giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay cũng đang góp thúc đẩy hội nhập quốc tế trong việc triển khai các chương trình giáo dục tích hợp ở mầm non và phổ thông, giúp học sinh tiếp cận chương trình quốc tế, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh và giáo viên.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học chủ động và tích cực mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín, và xây dựng chính sách thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Hiện đã có hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế của 70 cơ sở giáo dục đại học. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã tuyển được tổng số 86.000 sinh viên, học viên. Liên kết đào tạo với nước ngoài đã tăng cường hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao vị thế các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trên thế giới.

Năm học 2019-2020, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp Bộ Ngoại giao hướng dẫn du học sinh công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam, các hội du học sinh để thu thập thông tin về tình hình du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học có những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện cho các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài và các du học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

(Theo nhandan.com.vn)


 

.
.
.