.

Phạm Lê Duy - Nhà khoa học trẻ đầy nhiệt huyết

Cập nhật: 09:40, 22/02/2021 (GMT+7)

Tại Lễ tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh” năm 2020 do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua đã có 12 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương, trong đó có 1 tiến sĩ trẻ là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang được tôn vinh danh hiệu cao quý này. Đó là Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó (ngày 12-12-2020), TS.BS. Phạm Lê Duy cũng được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020”; đồng thời, được Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2020.

ĐẢNG VIÊN TUỔI 18

Phạm Lê Duy cho biết, yêu thích công tác Đoàn từ lúc còn là học sinh phổ thông, đến năm lớp 12, Duy được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên Tiền Giang và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 18 tuổi. Năm 2005, Duy đậu thủ khoa đầu vào ngành Bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Vào đại học, Duy tự ứng cử và tham gia công tác Đoàn của khoa Y, sau đó là Phó Bí thư Đoàn khoa Y, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

TS.BS. Phạm Lê Duy (thứ hai từ phải qua) tại Lễ trao tặng Giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2020.
TS.BS. Phạm Lê Duy (thứ hai từ phải qua) tại Lễ trao tặng Giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2020.

Trong những năm tháng miệt mài trên giảng đường đại học, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, Duy còn tích cực tham gia công tác Đoàn của khoa và trường, từ hoạt động văn thể mỹ cho đến các chương trình tình nguyện như “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Đêm hội Trăng Rằm”… với nhiều hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Duy được cấp học bổng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Ở xứ người, Duy đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ Chuyên gia - Lao động và Du học sinh Việt Nam tại thành phố Suwon (Hàn Quốc).

Sau khi hoàn thành khóa học, Duy trở lại trường làm việc và tiếp tục tham gia công tác Đoàn với vai trò là Bí thư Đoàn khoa Y và Ủy viên BCH Đoàn trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho đến nay. Với vai trò là Bí thư Đoàn khoa Y, TS.BS. Phạm Lê Duy trực tiếp điều hành hơn 50 hoạt động của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên khoa Y mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên và sinh viên.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Duy đã trực tiếp kêu gọi, vận động và trực tiếp hỗ trợ nhu yếu phẩm cùng nhiều trang thiết bị phòng, chống dịch cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

TS.BS. Phạm Lê Duy cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Bác sĩ đa khoa (tháng 11-2011), Duy được trường giữ lại làm giảng viên, sau đó được PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan giới thiệu cho GS.TS.BS. Hae-Sim Park, chuyên gia ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng tại Đại học Ajou (Hàn Quốc) và đủ điều kiện nhận học bổng đi du học vào tháng 3-2012. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (tháng 8-2016), Duy ở lại Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu và thực hành lâm sàng đến hết tháng 2-2017.

TS.BS. Phạm Lê Duy (thứ ba từ phải qua) tại Lễ tôn vinh “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2020”.
TS.BS. Phạm Lê Duy (thứ ba từ phải qua) tại Lễ tôn vinh “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2020”.

Tại Hàn Quốc, Duy có nhiều cơ hội tham gia báo cáo tại các hội nghị quốc tế về chuyên ngành Hen - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng. Trong đó, Duy vinh dự nhận được giải Báo cáo viên xuất sắc của Hội Hen - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Hàn Quốc (năm 2013 và 2016); được tài trợ kinh phí tham dự Hội nghị Travel grant của Hội Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng châu Âu vào các năm 2014, 2016, 2017... Tại các hội nghị quốc tế, Duy có dịp gặp gỡ, trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp quốc tế và được tín nhiệm bầu vào BCH Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO).

Theo TS.BS. Phạm Lê Duy, “Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh” là danh hiệu cao quý do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các tấm gương điển hình trẻ (tuổi dưới 35) đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều thành tích, đóng góp nổi bật vào sự phát triển chung của thành phố.

Còn giải thưởng “Quả cầu vàng” được trao tặng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học thuộc 6 lĩnh vực; trong đó có công nghệ y dược. Tiêu chuẩn chính của giải thưởng là sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt chất lượng gắn với các hoạt động hướng về cộng đồng.

Lý giải về việc chọn ngành Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, TS.BS. Phạm Lê Duy cho biết, do đam mê ngành Miễn dịch từ thời còn học đại học và nhận thấy ngành học này liên quan đến các bệnh mạn tính, nếu không được chẩn đoán và điều trị tốt sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Song, trên thực tế, ngành học này vẫn chưa được phổ biến và phát triển ở Việt Nam. Từ đó, Duy quyết định theo học và nghiên cứu về chuyên ngành này. Sau khi về nước, Duy cùng với Hội Hen - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều buổi hội thảo và nhiều khóa đào tạo để cập nhật những kiến thức mới nhất cho đồng nghiệp, nhất là các thầy thuốc trẻ.

Tính đến nay, TS.BS. Phạm Lê Duy có 25 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2020, Duy có 2 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 2 bài báo đăng trên tạp chí quốc gia và 2 báo cáo tham gia hội thảo quốc tế.

Theo TS.BS. Phạm Lê Duy, trong số các đề tài nghiên cứu thời gian qua, Duy tâm đắc nhất là đề tài nghiên cứu về vai trò bẫy DNA ngoại bào của bạch cầu đa nhân trung tính trong bệnh hen nặng. Kết quả nghiên cứu đã giúp tìm ra một cơ chế sinh bệnh mới trong bệnh hen nặng, từ đó tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo để tìm ra các phương pháp điều trị bệnh hen nặng hiệu quả hơn.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.