Thứ Tư, 10/03/2021, 14:13 (GMT+7)
.

Ấp Thạnh Hòa - Cộng đồng học tập tiêu biểu

Thực hiện Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, UBND xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài theo các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”. Sau một thời gian triển khai thực hiện, các mô hình đã thu được nhiều kết quả khả quan, trong đó nổi bật là mô hình “Cộng đồng học tập tiêu biểu” ở ấp Thạnh Hòa. 

Với quyết tâm xây dựng thành công “Cộng đồng học tập”, đầu năm 2016, Đảng ủy xã Bình Nghị đã ban hành Nghị quyết 11 lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, công tác phổ cập, trung tâm học tập cộng đồng, xã hội học tập trên địa bàn. Công tác giáo dục được cụ thể hóa tại nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Cùng với đó, các kế hoạch, quyết định được UBND xã ban hành để triển khai hằng năm và cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Khi có những hành lang pháp lý, cũng như điều kiện, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đến mỗi thành viên phụ trách từng lĩnh vực, từng tiêu chí, phong trào học tập lan tỏa đến chi bộ, Mặt trận, các đoàn thể, ban giám hiệu các trường học và người dân trong ấp.

Người dân trong ấp vui mừng nhận được danh hiệu “Cộng đồng học tập tiêu biểu”.
Người dân trong ấp Thạnh Hòa vui mừng nhận được danh hiệu “Cộng đồng học tập tiêu biểu”.

“Để được công nhận danh hiệu Cộng động học tập tiêu biểu, từ năm 2015, tôi cùng với Hội Khuyến học xã đã đi tuyên truyền, vận động từng gia đình cùng nhau xây dựng gia đình học tập với nhiều hình thức học khác nhau nhằm nâng cao kiến thức của người dân, giúp ấp Thạnh Hòa ngày càng phát triển, đã nhận được sự phối hợp từ cộng đồng ấp Thạnh Hòa, giúp ấp xây dựng thành công “Cộng đồng học tập tiêu biểu” như ngày hôm nay” - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Hòa Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Thông qua mô hình trên, đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm xây tặng 3 căn nhà hiếu học cho học sinh vượt khó học tốt và 1 con đường nông thôn ở tổ 3, ấp Thạnh Hòa, với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Hằng năm, Chi hội Khuyến học ấp Thạnh Hòa xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu xây dựng 4 mô hình học tập; qua đó, nhiều hộ gia đình tích cực lao động sản xuất, nuôi con ăn học thành đạt…

Ấp Thạnh Hòa thành công trong xây dựng cộng đồng học tập như ngày hôm nay là do, bên cạnh sự nỗ lực của ấp Thạnh Hòa, còn có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể xã và các tổ chức, nhà hảo tâm xa gần. Cụ thể như, thành lập Ban vận động xây dựng xã hội học tập của ấp để vận động học sinh trong độ tuổi phổ cập ra lớp đạt 100%, đây là nền tảng để xây dựng xã hội học tập. Nhân Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, Ban vận động kết hợp với nhà trường vận động trẻ em ra lớp, trong năm học vận động không cho trẻ bỏ học giữa chừng; tuyên truyền, vận động phụ huynh xây dựng góc học tập cho con em mình...

Mặt khác, tuyên truyền, vận động bà con trong ấp tham dự các chuyên đề về chăn nuôi, trồng trọt tại Trung tâm Học tập cộng đồng do xã tổ chức, 5 năm qua có 10.281 lượt/ 29.409 dân ấp tham gia. Ngoài ra, 100% hộ trong ấp đều có tivi, điện thoại; hơn 50% hộ kết nối mạng Internet;  ấp có nhà văn hóa liên ấp, có tủ sách dùng chung cho người lao động nông thôn…, giúp bà con nâng cao kiến thức.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Nghị Nguyễn Thị Kính chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh mô hình “Cộng đồng học tập” nên ý thức về tầm quan trọng của việc học trong phụ huynh không ngừng nâng lên, nhiều gia đình vượt khó nuôi con ăn học thành tài. Để khích lệ tinh thần học tập của người dân, góp phần thực hiện thành công mô hình “Cộng đồng học tập” của ấp Thạnh Hòa, Hội Khuyến học xã thường xuyên phối hợp với ấp vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em dừng bước đến trường...

Trong thời gian tới, Hội Khuyến học xã cùng các chi hội khuyến học sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình học tập trên địa bàn, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học suốt đời, hướng tới một xã hội học tập trong xu thế hội nhập”.

NHƯ NGỌC

.
.
.